.
Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang.

 Sáng 5/7 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, trong đó có Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương và 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Trưởng Ban Thi đua khen thưởng trung ương Phạm Huy Giang cho biết đểm mới của Luật là đã bổ sung nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích luỹ thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây.

Ông Giang cũng nêu rõ, Luật  Thi đua, khen thưởng năm 2022 được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này để thi đua, khen thưởng đi vào thực chất.

Tại họp báo, báo chí đã nêu lại việc vừa qua Chủ tịch nước đã phải ký quyết định hủy quyết định tặng Huân chương Lao động cho Công ty Việt Á vì chính sai phạm trong khen thưởng và nêu câu hỏi với những chính sách được cho là đột phá thì Luật thi đua khen thưởng 2022 có khắc phục được vấn đề khen thưởng nhầm như vụ Việt Á vừa qua hay không?

Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Huy Giang cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa luật là bên cạnh thể chế hóa chủ trương của Đảng, đồng bộ hóa quy định của pháp luật phải khắc phục bằng được việc khen thưởng mang tính cộng dồn, khen thưởng nhiều như thời gian vừa qua.

Ông Giang cũng cho biết, theo quy định hiện hành, trách nhiệm của cấp trình khen, cụ thể là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về thủ tục, hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn, tính chính xác của thành tích trước khi đề nghị khen.

Về biện pháp để khắc phục khen thưởng nhiều, khen thưởng hình thức, ông Giang cho rằng, ngay từ quá trình xem xét đề nghị khen thưởng phải xem xét rất kỹ thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị của các cấp trình.

Như vậy có nghĩa là, ở bộ, ở tỉnh phải họp hội đồng thi đua khen thưởng để xem xét trên cơ sở các thành tích. Ngoài ra, bên cạnh ý kiến của hội đồng còn có yếu tố lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên ngành, các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước… với rất nhiều kênh lấy ý kiến, bao gồm cả  vệc đăng tải trên các hệ thống thông tin.

“Hiện nay, các bộ, các tỉnh cũng đều làm. Tất nhiên, phạm vi đăng tải cũng rất mức độ. Ở các tỉnh chủ yếu đăng tải trên các cơ quan truyền thông của tỉnh”, ông Giang thông tin thêm.

Trưởng ban Thi đua khen thưởng trung ương  cũng nhấn mạnh điểm mới của Luật năm 2022 là phân cấp rất mạnh cho các cấp trình khen thưởng. Trong quá trình xem xét khen thưởng, nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, sẽ khen thưởng đúng và hạn chế được những câu chuyện buồn như vừa rồi.

“Khi xây dựng luật, chúng tôi cũng có phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, xây dựng điều 93 về xử lý vi phạm, trong đó có 9 khoản xử lý vi phạm. Tôi nghĩ rằng đây là những quy định cụ thể, chặt chẽ để xem xét xử lý. Chúng tôi cũng không mong muốn gì khi đã trình Thủ tướng, trình Chủ tịch nước rồi sau đó lại phải trình để hủy bỏ quyết định”, ông Giang bày tỏ.