Lời giải cho trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65).

Cho phép giãn nợ trái phiếu

Thời gian qua, hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu DN, như khối lượng phát hành mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, DN khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… 

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 với nhiều giải pháp đưa ra giúp DN phát hành trái phiếu “dễ thở” hơn, kỳ vọng bước qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường trái phiếu DN riêng lẻ.

Lời giải cho trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Những vi phạm trong phát hành trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường thời gian qua. Ảnh: MINH PHONG

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tức là nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỉ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65. Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và DN có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.

Một nội dung đề xuất sửa đổi đáng chú ý khác là lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi DN phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể là theo Nghị định 65, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của DN phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi dự thảo đề xuất lùi tới đầu năm 2024. Quy định này cũng được cho là cấp thiết, bởi hiện nay có khá nhiều DN gặp khó khăn trong huy động vốn, trong khi thực hiện xếp hạng phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép DN được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm. Với đề xuất này, DN đã phát hành trái phiếu trước đây còn dư nợ sẽ được gia hạn thời hạn trả nợ sang 2025 – 2026, cũng như có khả năng huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ.

Băn khoăn lùi xếp hạng tín nhiệm

Một số chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng việc cho phép DN được gia hạn thời hạn trả nợ tối đa 2 năm trên cơ sở đồng thuận của nhà đầu tư là đề xuất phù hợp nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc thỏa thuận với nhà đầu tư là không hề dễ dàng, cần có thêm những quy định cụ thể.

Đối với đề xuất giãn thời gian thực hiện 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, các chuyên gia cũng nhìn nhận đây là biện pháp cần thiết để “cứu” thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN đang gặp nhiều khó khăn, gần như bị “đóng băng”.

Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm đồng tình; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm thông tin về số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữa lợi ích đem lại và rủi ro khi ngưng thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Góp ý về đề xuất lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi DN phát hành trái phiếu khối lượng lớn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hóa thị trường, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án quy định một số DN phát hành bắt buộc phải có xếp hạng trong năm 2023 và đến năm 2024 sẽ áp dụng đối với tất cả các DN có phát hành. 

“Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng mồi cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các DN phát hành” – đại diện VCCI nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) – băn khoăn việc lùi quy định buộc xếp hạng tín nhiệm đến đầu năm 2024 mới áp dụng sẽ ảnh hưởng niềm tin của thị trường, làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo luật sư Đức, thay vì lùi thời gian áp dụng, cần có cơ chế khuyến khích DN thực hiện xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Việc xếp hạng tín nhiệm cần triển khai càng sớm càng tốt để hướng đến thị trường trái phiếu DN minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững. 

Tăng cường giám sát, thanh tra công ty chứng khoán

Cùng với sửa đổi Nghị định 65, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ tổng rà soát các quy định liên quan, trao đổi với các bộ ngành để sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp hơn với thực tiễn thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường giám sát, thanh – kiểm tra các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán. Đối với DN phát hành trái phiếu phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật, công bố thông tin minh bạch cho nhà đầu tư.

M.Chiến

TS CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia:

Cần đẩy nhanh lộ trình sửa đổi Nghị định 65

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường và nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, bên cạnh giải pháp về vốn tín dụng, rất cần đẩy nhanh lộ trình sửa đổi Nghị định 65, trong đó tạo điều kiện cho các DN đàm phán với các trái chủ để giãn, hoãn nợ…

Những quy định liên quan đến việc lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp như dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính là cần thiết, giúp các nhà phát hành có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.

Ông NGUYỄN TÙNG ANH, Trưởng Phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Xanh FiinRatings:

Giải tỏa áp lực đáo hạn

FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu DN riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương giá trị lần lượt 157.970 tỉ đồng và 341.270 tỉ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là DN liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Dù vậy, thị trường kỳ vọng áp lực đáo hạn trái phiếu DN sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.

Thị trường trái phiếu DN sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia.

Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN:

Nhà đầu tư cá nhân sẽ yên tâm hơn

Hiện có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu DN riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nay đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp thực ra là “dọn đường” cho việc gia hạn, giãn nợ, tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để DN đảo nợ.

Còn việc bổ sung quy định về giãn, hoãn nợ của Bộ Tài chính là thông điệp về các phương án giãn, hoãn nợ hay hàng đổi hàng manh nha trên thị trường vừa qua, theo tôi là phù hợp. Nhà đầu tư cá nhân sẽ yên tâm hơn và không còn cảm thấy quá bức xúc. Chưa kể, thị trường trái phiếu vận hành theo cơ chế thị trường nên đòi hỏi tính tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia. Do đó, khi xảy ra khủng hoảng, trái chủ và DN phát hành có thể tự thỏa thuận phương án giải quyết.

Th.Phương ghi


MINH CHIẾN