.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về cung ứng xăng dầu, trong đó có nguyên nhân Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có những vấn đề nội tại nên giảm sản lượng, đại biểu “truy” vậy nguyên nhân nội tại là gì?

8h15 phút sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên được mời vào vị trí trả lời chất vấn tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên chất vấn này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, có kết nối đến các đoàn đại biểu Quốc hội trên cả nước.  

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Chính phủ được mời dự họp cần bố trí thời gian, sắp xếp công việc, đảm bảo tham dự đầy đủ phiên chất vấn, trừ những trường hợp bất khả kháng. Các thành viên Chính phủ cũng được lưu ý trả lời chất vấn không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất tình hình, có đáp án rõ ràng, cụ thể chắc chắn cả trước mắt cũng như căn cơ cho lâu dài với những vấn để cử tri quan tâm.

Phát biểu trước khi nhận chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu nhiều khó khăn thách thức từ dịch Covid-19 và bối cảnh thế giới. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng khẳng định đã luôn chủ động sáng tạo, nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ, trong đó có những vấn đề tương đối phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, phần trình bày văn bản của Bộ trưởng nhắc lại nhiều thông tin đã được nêu tại báo cáo gửi trước cho các vị đại biểu.

Nhóm vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ phải trả lời là tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

39 đại biểu đăng ký chất vấn từ đầu giờ. Nhiều chất vấn xoay quanh giải pháp để ổn định nguồn cung và điều hành giá xăng dầu.

Trả lời, ông Diên nói, những ngày qua, giá xăng dầu tăng đột biến, thị trường thế giới đảo lộn, biên độ giá trên thế giới tăng từ 40-60%. Nhưng ở trong nước thì đã điều hành đúng quy định, biên độ tăng giá chỉ có 29 đến 40%, cận dưới của thế giới. Lý do giá trong nước thấp hơn là bởi đã điều hành linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ từ 500 đồng đến 1.500 đồng một lít, và cũng đã kiến nghị giảm thuế môi trương để góp phần làm giảm giá xăng dầu trong nước.

Về cung ứng, Bộ trưởng nêu khó khăn do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cung ứng đến 35% đến 40% sản lượng, nhưng lại giảm đột ngột. Nhưng từ tháng 1/2022, Bộ đã chỉ đạo nhập đủ sản lượng do Lọc dầu Nghi Sơn thiếu hụt, đến giữa tháng 2/2022 thì khẳng định đủ đáp ứng đến hết tháng 3/2022. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết đã tiến hành kiểm tra 16.800/17000 đại lý, số vi phạm rất ít chỉ có 211 đại lý do rất nhiều lý do. Trong đó có cây xăng cố tình găm hàng, có một số cây xăng không có nguồn cung vì họ nhận hàng từ Lọc dầu Nghi Sơn, mà Nghi Sơn lại giảm đột ngột, như đã nói.

Dùng quyền tranh luận, một số vị đại biểu cho rằng, có hiện tượng găm hàng ở doanh nghiệp đầu mối chứ không chỉ ở đại lý. Và Lọc dầu Nghi Sơn có vấn đề nội tại thì vấn đề đó là gì, Bộ có giải pháp thế nào cả trong ngắn hạn và dài hạn?

Nguồn cung xăng dầu được Bộ trưởng giải thích là không thiếu, do việc tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, tức là phụ thuộc nguồn bên ngoài. “Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong đảm bảo nguồn cung thế nào?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, vai trò của nhà máy trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.

Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào, nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%.

Khẳng định Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn liên doanh với nước ngoài, hoạt động không hiệu quả, Bộ trưởng cho biết khó khăn nội tại của Nghi Sơn thì vấn đề tài chính là chủ yếu. PVN đã báo cáo Ủy ban quản lý vốn phối hợp để đấu tranh với hai liên danh nước ngoài để cung ứng xăng dầu trong nước đúng như cam kết.

Ông Diên cũng cho biết thêm là nguyên liệu dầu thô của Nghi Sơn nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Do đó, nếu PVN cam kết cung ứng sản lượng đúng như ban đầu (35-40%) thì Bộ mới dừng kế hoạch cho nhập khẩu xăng dầu. Bộ Công thương cũng kiến nghị chỉ đạo cấp có thẩm quyền xử lý triệt để vấn đề này, ông Diên quả quyết.

Về phản ánh doanh nghiệp đầu mối găm hàng, ông Diên cho biết đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu phát hiên doan nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ thì sẽ xử lý, đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép.

Khi có kết quả sẽ báo cáo đến đại biểu, chúng tôi kiên quyết không bao che, ông Diên quả quyết.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, người đứng đầu ngành Công thương cho biết tới đây sẽ áp dụng công nghệ để quản lý thị trường xăng dầu hiệu quả hơn.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Diên sẽ kéo dài đến 11h30 sáng nay.