Lãnh đạo TP HCM mong các ngân hàng chú trọng việc cho vay tiêu dùng

Ngày 12-1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng TP HCM, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2022, các ngân hàng trên địa bàn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong tất cả hoạt động, với dư nợ tín dụng chiếm khoảng 27% tổng dư nợ cả nước. Ước tính năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 6% và dư nợ tín dụng tăng 14% so với năm trước.

“Đây là sự tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế có nhiều sự biến động. Sự phát triển ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng góp phần vào sự phát triển kinh tế TP HCM với vai trò là các chủ thể trong nhóm ngành dịch vụ trên địa bàn. Ngành ngân hàng thành phố đã bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên” – ông Võ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP HCM mong các ngân hàng chú trọng việc cho vay tiêu dùng - Ảnh 1.

Ước tính đến hết năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM tăng 6% và dư nợ tín dụng tăng 14% so với năm trước.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao kết quả của ngành ngân hàng trên địa bàn trong năm qua. Là đầu tàu kinh tế, TP HCM mong muốn Ngân hàng Nhà nước có chính sách và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung nguồn vốn cho sản xuất – kinh doanh.

Thời gian qua, trong bối cảnh chung vừa kiểm soát lạm phát vừa bị ảnh hưởng bởi một vụ việc xảy ra do chưa chặt chẽ về kỷ cương nên có một số sai phạm, việc kiểm soát lạm phát và kiểm soát sự cố này có dẫn đến việc kiểm soát tín dụng quá mức.

“Từng ngân hàng thương mại sẽ hiểu rõ khách hàng của mình nhất nhưng rất cần linh hoạt, đúng trọng tâm để tiền chảy đúng nơi cần. Điều này góp phần để hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn duy trì ở mức phù hợp” – Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Một vấn đề khác được lãnh đạo UBND TP HCM đưa ra và đề nghị ngành ngân hàng cần chú trọng nhiều hơn là tín dụng tiêu dùng cho công nhân và sinh viên. Bởi nếu được đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng tiêu dùng từ kênh chính thức sẽ góp phần giải quyết căn cơ, hạn chế hoạt động tín dụng đen. Từ đó, góp phần thực hiện đa mục tiêu trong chính sách của nhà nước.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM tư vấn giúp một cơ chế về tài chính tiền tệ cho thành phố, có thể lập hội đồng tư vấn để kịp tư vấn, đưa ra nhận định, kịp thời phản ánh các vấn đề đang xảy ra để nắm bắt nhanh chóng và có đề xuất phù hợp” – ông Phan Văn Mãi nêu.

Liên quan các vấn đề mà lành đạo TP HCM đề cập, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay về tín dụng, năm nay Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh kịp thời để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và Thống đốc đã chỉ đạo đưa tín dụng vào sản xuất – kinh doanh.

“Tín dụng cho công nhân và sinh viên là rất quan trọng, bởi chúng ta chỉ có thể xóa tín dụng đen bằng cách cung cấp những tín dụng “sạch”, nhanh, rẻ và tiện lợi. Chừng nào còn vay 50 triệu đồng với nhiều thủ tục giấy tờ ở ngân hàng và thời gian lâu thì người dân, doanh nghiệp và công nhân, sinh viên phải đi tìm nguồn vốn tín dụng khác” – ông Phạm Tiến Dũng nhận xét.


Thái Phương. Ảnh: Bình An