Một trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác.
Một trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác.

Theo thông tin của baodautu.vn, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 2173/VPCP – CN gửi Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc triển khai thu phí điện tử không dừng tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.

Không lùi tiến độ

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các bên liên quan phải có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.

Được biết, VEC là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí các tuyến đường cao tốc quốc gia.

VEC đã được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc bao gồm: Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và dự án đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Trong 5 dự án đầu tư nói trên thì dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn do VEC tự huy động. Còn các dự án còn lại đều được đầu tư bằng nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB và JICA và vốn đối ứng của Chính phủ. Đến nay 4/5 dự án đã hoàn thành bước đầu tư xây dựng và chuyển sang giai đoạn vận hành khai thác (trừ Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành).

Bộ GTVT cho biết,tiền thu phí từ các dự án đang được VEC sử dụng để trả nợ các khoản vay và trích một phần để thanh toán cho các hợp đồng về bảo dưỡng thường xuyên, quản lý vận hành, kiểm soát tải trọng xe, tổ chức thu phí và sửa chữa công trình theo phương án tài chính của dự án.

Về công tác vận hành thu phí, trong 4 tuyến cao tốc VEC đang quản lý, khai thác có 212 làn thu phí hiện mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ Ninh – Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển thu phí theo hình thức một dừng.

Trên cơ sở số lượng các làn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, theo VEC tính toán trước mắt phần kỳ 140 làn thu phí không dừng sẽ đảm bảo các cao tốc thu phí theo hình thức điện tử không dừng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu.

Chọn phương án thuê dịch vụ

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc tại Bộ GTVT ngày 27/10/2021 và được Thủ tướng Chính phủ đồng thuận phương án sử dụng chi phí quản lý thu phí VEC đang thực hiện (thu phí một dừng) để thuê trọn gói dịch vụ thu phí điện tử không dừng, đồng thời yêu cầu hoàn thành trong quý I/2022.

Trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT, VEC đã tổ chức triển khai việc thuê nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho các tuyến cao tốc do VEC quản lý bằng nguồn chi phí tổ chức thu phí trong phương án tài chính của dự án. Đến thời điểm này, VEC đã chuẩn bị các thủ tục về lập kế hoạch thuê, yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu để chuẩn bị tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý dẫn đến trong quá trình tổ chức thực hiện còn có ý kiến khác nhau trong việc áp dụng các quy định pháp luật.

Cụ thể, trường hợp coi hệ thống thu phí điện tử không dừng là một dự án mới, VEC phải triển khai các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng áp dụng theo quy định Nghị định 73/2019/NĐ-CP sẽ mất nhiều thời gian, không thể hoàn hoàn thành trong năm 2022 do thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ (dự án thuộc quy mô nhóm A), phải thực hiện rất nhiều thủ tục từ phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế sau đó mới tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ (phương án 1).

Trường hợp coi việc triển khai thu phí không dừng chỉ là hình thức thu phí mới thay thế hình thu phí một dừng đang triển khai, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước4 (phương án 2); triển khai theo phương án này, thẩm quyền do VEC quyết định và đẩy nhanh tiến độ do chỉ cần phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ để tổ chức lựa chọn ngay nhà cung cấp dịch vụ.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát huy hiệu quả đầu tư, cũng như sớm lắp đặt, vận hành hệ thống đáp ứng nhu cầu xã hội, VEC đã tổ chức triển khai thực hiện theo phương án 2 để tổ chức thực hiện.

“Với phương án này tiến độ thực hiện sẽ được đẩy nhanh hơn, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý 2/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý 3/2022”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.