.

“Lụt” tiến độ

Cho đến thời điểm này, mục tiêu lắp đặt xong các hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào 21 cảng hàng không dự kiến thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không do ACV quản lý đã không thể hoàn thành vào ngày 31/3/2020.

Tại văn bản vừa gửi tới Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, mặc dù đã khởi động việc đầu tư hệ thống kiểm soát các xe ô tô ra vào cảng hàng không do đơn vị này quản lý từ năm 2019, nhưng 3 cảng hàng không có tiến độ tốt nhất là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất cũng chỉ có thể hoàn thành vào tháng 4/2020.

Trong số 18 cảng hàng không còn lại, có 3 cảng đã hoàn tất công tác xây dựng, đang triển khai lắp đặt hệ thống, 15 cảng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đã nộp hồ sơ xin cấp phép thi công lên Cục Hàng không Việt Nam. Trong số này, có 10 cảng hàng không đang chờ thẩm định. Tính toán sơ bộ của ACV cho thấy, chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt các hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào tại 21 cảng hàng không vào khoảng 160 tỷ đồng.

“Với tiến độ này, ACV không thể hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát xe ra vào cảng hàng không trước ngày 31/3/2020 như chỉ đạo của Bộ GTVT”, lãnh đạo ACV khẳng định.

Lý giải cho sự chậm trễ trên, ACV cho biết, họ là doanh nghiệp do Nhà nước đang nắm tới 95,4% vốn điều lệ, nên việc thực hiện đầu tư mua sắm tài sản phải tuân thủ tất cả quy định, quy trình về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép thi công trước khi triển khai trên thực địa.

Ngoài việc đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt biện pháp tổ chức thi công tại 10 cảng hàng không, ACV cũng xin “nới đai” mốc thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào cảng hàng không và triển khai phương án thu phí mới thêm 3 tháng nữa, tức là vào cuối quý II/2020.

Trước đó, trong Văn bản số 65/TB-BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về việc thu phí đường dẫn vào các cảng hàng không, sân bay của ACV và định hướng về Đề án Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông các cảng hàng không, sân bay được tổ chức vào giữa tháng 2/2020, thì đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là hạng mục công trình giao thông phục vụ khai thác nhà ga của các cảng hàng không. Hình thức sử dụng đất để xây dựng đường dẫn đã được quy định tại Điều 156, Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 590/TB- VPCP, ngày 21/12/2017, Bộ GTVT thống nhất, tại các cảng hàng không đã lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô ra vào cảng thì không thu tiền đối với xe ra vào khu vực đón trả khách trong thời gian dự kiến là 10 phút. Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu ACV phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô xong trước ngày 31/3/2020 cho tất cả cảng hàng không có thu tiền.

Như vậy, từ nay đến hết quý II/2020, việc thu phí xe ô tô ra vào một số cảng hàng không vẫn được thực hiện như thông lệ trước đây. Trong đó, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mức thu phí cho 1 lượt xe 5 chỗ ra vào trả khách vẫn là 15.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Văn Lợi, lái xe chuyên tuyến sân bay Nội Bài – trung tâm TP. Hà Nội cho biết, phương án thu phí mới của Bộ GTVT là khả thi, bởi 10 phút là đủ để lái xe đón trả khách và hành lý. Nếu khéo dài thời gian miễn phí, sẽ dẫn tới việc ùn tắc tại các điểm dừng đón ngay trước nhà ga các cảng hàng không lớn.

Đề xuất không truy thu

Hiện tại, phương án tiếp tục giao cho ACV triển khai thu phí ra vào nhà ga các cảng hàng không cũng đã cơ bản được các bộ, ngành thống nhất.

Cụ thể, trong Công văn số 102/BTC-QLG gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2020, Bộ Tài chính cho rằng, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Bộ GTVT là bộ chủ quản có chức năng quản lý nhà nước đối với nhóm dịch vụ này.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện theo đúng chuyên ngành quy định Luật Giá, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về xử lý sau thanh tra tại ACV.

Liên quan đến các khoản thu phí vào nhà ga cảng hàng không đã được Thanh tra Chính phủ cho là chưa đúng quy định tại Kết luận số 2529/KL-TTCP về việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại ACV, Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị Bộ Tài chính thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xử lý kinh tế số tiền đơn vị chủ cảng đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012-2017, do ACV đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định.

Quan điểm của Bộ GTVT là dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là dịch vụ phi hàng không không nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu nên doanh nghiệp cảng hàng không được tổ chức thu giá, quyết định mức giá và thực hiện niêm yết giá theo quy định tại điểm b, khoản 4, khoản 8, Điều 11, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Do đó, việc ACV thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là thuộc thẩm quyền của đơn vị chủ cảng.

Bên cạnh đó, trong Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV, Thanh tra Chính phủ cũng không kiến nghị xử lý về kinh tế đối với số tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không mà ACV đã thu.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT rà soát và có ý kiến chính thức về phương án xử lý đối với số tiền thu phí đường dẫn thực tế ACV đã thu (giai đoạn 2012-2017). Trong khi đó, Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, thống nhất phương án thu, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới; đảm bảo hợp lý, phù hợp theo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng”.

Cần phải nói thêm rằng, tại Kết luận số 2529/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho rằng “21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Tổng số tiền thu khoảng 59 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV, 21 cảng hàng không”.

Hiện nay, khác biệt lớn nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT trong việc xử lý Kết luận số 2529/KL-TTCP, theo ACV, nằm ở việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, đất sử dụng để xây dựng đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không là đất giao không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm b, Khoản 1 và điểm a, Khoản 3, Điều 156, Luật Đất đai. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp xác định là đất công cộng không có mục đích kinh doanh, thì thực hiện theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất; với phần giá trị tài sản trên đất (là đường dẫn) do ACV đã đầu tư có thu tiền – khi đó là có mục đích kinh doanh và cần có cơ chế, quy định cụ thể để có cơ chế quản lý tài chính theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, với các trường hợp sử dụng đất mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất), thì ngoài việc bị truy thu đủ số tiền phải nộp, chủ đầu tư còn phải nộp số tiền tương đương với tiền chậm nộp được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tương ứng tại từng thời kỳ.

Với trường hợp này, ACV phải nộp tiền thuê đất theo quy định của chính sách thu tiền thuê đất và số tiền tương đương với tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tương ứng tại từng thời kỳ đối với diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga, cảng hàng không trong khoảng thời gian từ khi ACV bắt đầu thực hiện việc thu phí của các phương tiện ra vào khu vực cảng hàng không.

Được biết, hiện các bên liên quan đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xác định hình thức sử dụng đất đối với diện tích đất làm đường dẫn tại cảng hàng không, sân bay. Trên cơ sở đó, sẽ xác định nghĩa vụ tài chính về đất của các đơn vị sử dụng đất.

“Việc xác định rõ nghĩa vụ tài chính về đất đai ảnh hưởng rất lớn đến phương án xây dựng giá thu dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng”, lãnh đạo ACV khẳng định.

Theo Bộ GTVT, tổng doanh thu, chi phí, nghĩa vụ ngân sách đối với dịch vụ đường dẫn vào nhà ga 21 cảng hàng không đã được ACV thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2017 lên tới 1.024 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2012 -2015, con số này là 550,95 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số công bố của Thanh tra Chính phủ.

Sau khi trừ các chi phí, chênh lệch doanh thu – chi phí (trước thuế) từ nguồn thu này là 133 tỷ đồng. ACV đã thực hiện nghĩa vụ ngân sách khoảng 57 tỷ đồng.

Với phần lợi nhuận còn lại, ACV trích quỹ đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2012 đến ngày 31/3/2016 và đã được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi đơn vị này cổ phần hóa vào năm 2016.