Cao tốc La Sơn - Túy Loan
Nhiều cây chủ lực ở Tây Nguyên, trong đó có cây sầu riêng gặp khó khăn về đầu ra. Ảnh: Phan Tuấn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai có hiện quả các biện pháp giải pháp thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025; rà soát, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi, cơ cấu lại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và thị trường tiêu thụ; đặc biệt là diện tích cây ăn quả như sầu riêng, bơ…, đề xuất các biện pháp rải vụ, chuyển đổi cây trồng để giảm thiểu tối đa tình trạng cung vượt cầu, “được mùa mất giá”.

Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng đặc biệt đối với diện tích cây sầu riêng, nâng cao giá trị, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chuỗi liên kết, trong đó tập trung phát triển chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư phát triển chuỗi có sự tham gia của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đối với nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời lồng ghép, hỗ trợ phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, giảm thiểu sản lượng nông sản tiêu thụ chưa qua chế biến; tham mưu đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây phù hợp với vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Báo Đầu tư ngày 8/8/2022 đăng bài: Cây chủ lực ở Tây Nguyên chưa thoát cảnh “đầu voi đuôi chuột”. Bài báo phản ánh, nhiều loại cây chủ lực của Tây Nguyên đang thoi thóp trước thực trạng sản lượng thì “đầu voi”, nhưng đầu ra lại “đuôi chuột”, giá bán chẳng thấm vào đâu so với công sức mà nông dân bỏ ra.

Theo phản ánh của ông K’Him (trú tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), những năm qua, trái sầu riêng – sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù tại địa phương này gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. “Người nông dân cần ngành nông nghiệp sớm có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, bảo đảm chất lượng, đầu ra cho trái sầu riêng”, ông K’Him kiến nghị.

Chung “số phận” với sầu riêng, cây bơ – một trong các loại cây ăn quả chủ lực được phát triển mạnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên, cũng đang nghẽn đầu ra, giá bán thấp kỷ lục.

Ông K’Broi (trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đời sống của nông dân tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp đầu vào (xăng dầu, phân bón…) tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như bơ, chuối laba… khó khăn, giá thu mua rất thấp. “Năm 2021, bơ có giá 60.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 6.000 đồng/kg”, ông K’Broi dẫn chứng.