.
.

Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi  Covid-19, nhưng hậu quả để lại đối với nền kinh tế còn nặng nề. “Sức khỏe” của doanh nghiệp thời hậu Covid-19 ra sao, thưa ông?

Khảo sát về tác động của dịch bệnh đối với doanh nghiệp mới được Trường đại học Kinh tế quốc dân thực hiện cho thấy, có tới trên 60% doanh nghiệp sụt giảm nguồn thu; gần 52% doanh nghiệp vận hành sản xuất, kinh doanh dưới mức bình thường; 43,4% doanh nghiệp không có nguồn thu; 39,4% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; trên 31% doanh nghiệp khó khăn do không tiêu thụ được hàng hóa; số doanh nghiệp thiếu vốn duy trì sản xuất lên tới 36,7%…

Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó do không xuất khẩu được, thiếu nguồn cung nguyên liệu. Với những tác động tiêu cực này, trên 20% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu 50 – 80%; 35% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu 30 – 50%.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp; tiếp theo là lãi vay ngân hàng (25%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), thuê mặt bằng (gần 18%).

Trong nỗ lực “giải cứu” doanh nghiệp và người lao động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg. Theo ghi nhận của ông, Chỉ thị này được doanh nghiệp đánh giá thế nào?

Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được ban hành rất trúng, rất đúng và rất kịp thời. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành cũng đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách miễn, giảm lãi, phí ngân hàng; hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ. Chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; không tăng chi phí điện, nước và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cũng được doanh nghiệp đánh giá cao.

Về gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cũng như việc Bộ Tài chính giảm hàng loạt phí, lệ phí thì sao, thưa ông?

Doanh nghiệp đánh giá rất cao việc Bộ Tài chính kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng như giảm hàng loạt loại phí, lệ phí. Tuy nhiên, chính sách này không được đánh giá cao bằng các chính sách khác vì chưa đủ mạnh, chỉ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng.

Trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải nhận thức rõ tình hình khó khăn này để có biện pháp xử lý và khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch. Trong các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, theo tôi, giải pháp tài khóa vô cùng quan trọng.

Vậy theo ông, ngoài chính sách thực hiện theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, giải pháp tài khóa còn cần thêm những gì?

Tôi cho rằng, cần giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; kéo dài thời gian chuyển lỗ từ 5 lên 8 năm. Những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất đồ bảo hộ, trang thiết bị phòng, chống Covid-19 cho phép khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định phát sinh khi mở rộng sản xuất  vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả mọi người, vì vậy cũng cần giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành, kích thích tiêu dùng.

Trong trường hợp hết quý II/2020 mà doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, Bộ Tài chính nên nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp sang năm 2021 cho một số ngành hàng, lĩnh vực. Tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn khởi động nhanh nền kinh tế thời hậu Covid-19 ngoài chính sách tiền tệ, tài khóa, cần phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Quan điểm của ông như thế nào?

Vốn đầu tư công là nhân tố vô cùng quan trọng góp phần tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh hầu hết hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, thì thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công càng có ý nghĩa hơn. Muốn vậy, cần phải có kế hoạch giải ngân chi tiết, cụ thể các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Đối với dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn, chủ đầu tư phải chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện. Ngoài ra, trong hoàn cảnh được coi là đặc biệt này, cần phải tạm hoãn thu hồi các khoản vốn đã ứng trước.