Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thưa Thứ trưởng, các chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng GDP, cho thấy, nền kinh tế đang phục hồi rất mạnh mẽ. Đâu là yếu tố để nền kinh tế có được sự phục hồi này, thưa ông?

Thực tế thì nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi từ quý IV/2021. Đà phục hồi này được duy trì liên tục từ đầu năm 2022 đến nay và vì vậy, đã có những kết quả rất tích cực. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng GDP, với con số của quý III là 13,67% và 9 tháng là 8,83%. Đây là những con số hết sức ấn tượng, khiến không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách, mà cả cộng đồng xã hội, người dân, doanh nghiệp… đều hết sức phấn khởi và ngạc nhiên.

Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ cấp chỉ đạo điều hành đến cấp triển khai thực hiện trong thời gian qua. Cũng có yếu tố khách quan, là quý III năm ngoái, kinh tế tăng trưởng âm, nên trên nền tăng trưởng thấp như vậy, quý III năm nay có được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Bên cạnh đó, nếu đi sâu phân tích các vấn đề kinh tế, thì có thể thấy, nhìn ở khía cạnh sản xuất, sự phục hồi đã diễn ra mạnh mẽ ở cả 3 khu vực kinh tế; đặc biệt, dịch vụ là khu vực có sự phục hồi rõ nét nhất – tăng 10,57%.

Dịch Covid-19 đã khiến lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng năm nay, nhiều quyết sách đã tác động mạnh đến khu vực này. Chẳng hạn, chúng ta có quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Kết hợp với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa, ngành dịch vụ như lò xo bị nén đã bật tăng trở lại.

Nhìn ở khía cạnh tiêu dùng, nền kinh tế cũng có những điểm sáng, bao gồm cả chi tiêu của dân cư và chi tiêu của Chính phủ. Xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng.

Khi cả cung và cầu, cả sản xuất và tiêu dùng đều rất tích cực, thì sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng của 9 tháng đầu năm, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo rằng, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 8%. Cơ sở nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo như vậy, thưa Thứ trưởng?

Đầu năm, ngay cả các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, dù lạc quan nhất cũng chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6 – 6,5%, đúng như mục tiêu kế hoạch mà Việt Nam đặt ra. Các kịch bản tăng trưởng mà chúng ta đưa ra tại Nghị quyết 01, để phục vụ mục tiêu điều hành, cao nhất cũng là 6,5%.

Nhưng sau diễn biến của kinh tế quý I, rồi quý II, quý III, các tổ chức quốc tế cũng như các cơ quan trong nước đều có những cập nhật về dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022. Hiện nay, vẫn còn có các con số khác biệt nhau, như vừa rồi đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sang, họ đưa ra dự báo khoảng 7%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo cao hơn chút xíu, ADB dự báo tăng trưởng khoảng 7,5%. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên các số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra, đồng thời bám sát diễn biến của nền kinh tế, đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 8% trong năm nay. Tất nhiên, vẫn phải có những điều kiện nhất định đi kèm.

Quý IV là quý rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, là lúc các hoạt động đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu… đều được đẩy mạnh. Nếu không có các cú sốc lớn, mà vẫn duy trì tốc độ như hiện tại, thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Qua phân tích các kịch bản, nếu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4% trong quý IV, thì tăng trưởng cả năm sẽ đạt khoảng 7,5%. Để cả năm tăng trưởng 8%, thì quý IV phải tăng trưởng khoảng 6%. Đây là mức chúng ta có thể phấn đấu được. Vì vậy, chúng tôi đã dự báo, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 8%.

Nhưng thưa Thứ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, đằng sau mức tăng trưởng cao như vậy là những nỗi lo. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Đúng là kết quả tăng trưởng 9 tháng khiến chúng ta mừng vui, thấy được khích lệ, nhưng đồng thời cũng có những nỗi lo. Vì sao có tình trạng vừa mừng, vừa lo như vậy? Đó là vì khi nhìn vào bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước thời điểm hiện nay, thì vẫn có những điểm mà chúng ta phải quan tâm hơn, lo lắng hơn. Nhưng không phải là lo lắng để hoảng sợ, mà lo lắng để quan tâm và sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các tình huống bất thường.

Có mấy điểm chúng ta cần phải lo đến.

Thứ nhất là về giá cả, lạm phát. Hiện tại, diễn biến lạm phát trên toàn cầu vẫn đang rất phức tạp, đặc biệt mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Gần đây, khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới cũng phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Nhưng khi lãi suất tăng thì sẽ dễ dẫn tới kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí nếu nền kinh tế đó có “sức khỏe” không tốt, thì có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Đó là một nguy cơ và nó có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở lên tới 200% GDP. Khi các đối tác thương mại, đầu tư của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí có dấu hiệu suy thoái, thì sẽ ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư của Việt Nam, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Rủi ro lạm phát này cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong nước, bởi phải làm sao đảm bảo chính sách vừa kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề thứ hai cần lưu tâm là những ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine. Khi dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta đã bị đứt gãy nguồn cung, bây giờ nếu xung đột tiếp tục kéo dài, thì cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, ảnh hưởng tới sản xuất – kinh doanh.

Vấn đề thứ ba thì năm nào cũng có, nhưng ngày càng phức tạp hơn, đó là nguy cơ về bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu. Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 4. Chúng ta mỗi năm thường đón 7-8 cơn bão, tức là vẫn còn những cơn bão nữa có thể xảy ra, nên phải làm sao hạn chế thấp nhất những thiệt hại, ảnh hưởng.

Thách thức, khó khăn là rất lớn, ngay cả sản xuất – kinh doanh chưa hồi phục hoàn toàn, vậy làm sao để nền kinh tế có thể tăng tốc để về đích, thưa Thứ trưởng?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các báo cáo về kinh tế – xã hội, đã tham mưu cho Chính phủ 12 nhóm giải pháp toàn diện, nhưng riêng về kinh tế, có thể quan tâm một số giải pháp sau.

Thứ nhất, giải pháp đầu tiên và cũng là giải pháp mang tính điều kiện cần là phòng chống dịch. Hiện nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được Covid-19, nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp, cộng với nguy cơ một số dịch khác nữa, nên phải đặc biệt quan tâm công tác này.

Thứ hai, giải pháp mang tính nền tảng để chúng ta có thể thực hiện được các giải pháp khác, đó là điều hành các chính sách vĩ mô, như tài khóa, tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, để làm sao duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ ba, chúng ta phải quan tâm đến các giải pháp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ở phía cung thì chúng ta phải tập trung thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, nhất là các khu vực có tính động lực của nền kinh tế, như khu vực Đông Nam Bộ, với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, hay các trung tâm kinh tế ở phía Bắc, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh…

Thứ tư, là nhóm giải pháp liên quan đến phía cầu. Chúng ta cũng phải có những giải pháp để kích thích tiêu dùng của người dân, của Chính phủ, đặc biệt là giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về xuất nhập khẩu, chúng ta đã đạt được mức xuất siêu trên 6 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu cũng tốt, cần tiếp tục duy trì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vậy còn triển vọng kinh tế 2023, thưa Thứ trưởng… Vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ở mức 6,5%. Liệu đây có phải là một con số hợp lý?

Khi chuẩn bị xây dựng kế hoạch 2023, chúng tôi đã phải phối hợp các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để phân tích, dự báo tình hình, rà soát các động lực tăng trưởng…, nhằm đưa ra con số hợp lý nhất.

Có mấy yếu tố khiến chúng tôi đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới. Đó là, nền kinh tế vẫn đang trong đà phục hồi tốt và đà phục hồi này vẫn đang duy trì, khả năng chịu cú sốc lớn từ bên ngoài rất ít.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam, các dự báo của các tổ chức quốc tế và của cả các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam đều cho rằng, năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí thách thức nhiều hơn thuận lợi, do vậy, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Hơn nữa, với giả định năm 2022 tăng trưởng 8%, thì trên nền tăng trưởng cao như vậy, càng khó để kỳ vọng tăng trưởng 2023 tiếp tục ở mức cao 7-8%. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới là hợp lý.

Vậy đâu là động lực tăng trưởng cho năm 2023, thưa Thứ trưởng?

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào một động lực, mà là nhiều thành tố khác nhau.

Rà soát một số yếu tố, có thể thấy, năm 2023, có thể kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn. Năm 2022, dịch vụ có phục hồi tích cực, nhưng nói phục hồi như trước dịch thì chưa. Ví dụ, 9 tháng, chúng ta mới đón được trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi trước dịch, mỗi tháng đón hơn 1 triệu lượt. Khi nào quay trở về với mức đó, thì mới phục hồi hoàn toàn được du lịch.

Bên cạnh đó, trong các đối tác thương mại chính của Việt Nam, hiện tại, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến lược “zero covid”, nên xuất nhập khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng. Năm 2023, có thể Trung Quốc sẽ có những thay đổi về chiến lược phòng chống dịch. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, bởi đây là một thị trường thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.

Hay như trong đầu tư, năm 2023, vốn đầu tư công là rất lớn. Ngoài số vốn kế hoạch năm 2023, còn có khoảng 130.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Khi một lượng vốn lớn như vậy được giải ngân, thì sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ rất khó của chúng ta, bởi phải “tiêu” hết một lượng vốn lớn như vậy.

Qua rà soát sơ bộ các động lực tăng trưởng, chúng tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm tới là khả thi.