Kinh tế phục hồi mạnh mẽ (*): Bán lẻ đạt hiệu quả kinh doanh rất ấn tượng

Vừa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3-11, đại siêu thị Emart Sala (khu đô thị Sala, TP Thủ Đức, TP HCM) liên tục đón lượng khách đông đảo đổ về mua sắm. Ngay trong ngày khai trương, một số thời điểm đại siêu thị này trở nên quá tải, phải tạm ngừng phục vụ theo nhóm (đợi nhóm khách này ra mới cho nhóm khách khác vào).

Tăng tốc mở rộng

Theo thống kê chưa đầy đủ, đại siêu thị Emart Sala đã đón không dưới 20.000 lượt khách và doanh số không dưới 5 tỉ đồng trong ngày đầu chính thức phục vụ khách. Không khí mua sắm sôi động tại đại siêu thị thuộc Tập đoàn Thaco (nhượng quyền thương mại từ Emart Hàn Quốc) phần nào phản ảnh sự phục hồi mạnh mẽ của sức mua thị trường.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ (*): Bán lẻ đạt hiệu quả kinh doanh rất ấn tượng - Ảnh 1.

Siêu thị Emart Sala đông nghẹt khách trong ngày khai trương

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỉ USD, dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước. 10 tháng đầu năm, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,643 triệu tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Từ thống kê này cho thấy ngành bán lẻ đã có sự phục hồi nhanh, mạnh sau 1 năm Việt Nam mở cửa khôi phục kinh tế hậu COVID-19. Kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) bán lẻ do Vietnam Report thực hiện hồi tháng 8 cho thấy 53,8% số DN bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự hồi phục và tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn.

Trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của các DN trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối. Một số DN sở hữu mô hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi như WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan), Saigon Co.op, Satra… cũng đẩy nhanh tốc độ mở mới các điểm bán. Chẳng hạn, trong 9 tháng năm 2022, WinCommerce đã mở thêm 477 cửa hàng WinMart+. Tổng cộng đến nay hệ thống này đã có 3.049 cửa hàng đi vào hoạt động, tăng thị phần lên 48%. WinCommerce cũng đã đạt lợi nhuận đáng kể nhờ các cửa hàng cải thiện hiệu quả hoạt động và lượng khách hàng gia tăng.

Chưa dừng lại ở đó, quý III vừa qua, Tập đoàn Masan còn mở thêm hệ thống bán lẻ mới với 30 cửa hàng mang thương hiệu WIN nhằm thúc đẩy chiến lược “Point of Life”. “Chúng tôi tin rằng WIN chính là mô hình bán lẻ ưu việt và sẵn sàng để mở rộng quy mô. Trong thời gian tới, Masan sẽ ra mắt thêm mô hình cửa hàng mới phục vụ người tiêu dùng tại khu vực nông thôn và công bố chương trình khách hàng thân thiết với mục tiêu đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cho 100 triệu người tiêu dùng” – ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, nhấn mạnh.

Cuộc đua của những “ông lớn”

Dù có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực nhưng ngành bán lẻ trong nước cũng đối diện với không ít thách thức và rủi ro. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy dưới tác động của lạm phát cùng các khó khăn phát sinh do giá hàng hóa tăng cao, lãi suất, tỉ giá cùng tăng…, người tiêu dùng đang có thói quen mua sắm tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Song song đó, xu hướng người tiêu dùng chú trọng vào các chương trình khuyến mãi, mua theo gói lớn để được ưu đãi về giá nhiều hơn.

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam – ông Furusawa Yasuyuki – nhìn nhận xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rõ rệt, người tiêu dùng quan tâm và chú trọng về sức khỏe nhiều hơn, chuyển qua thanh toán không tiền mặt hoặc chuyển từ mua hàng trực tiếp sang trực tuyến… Nếu nhà bán lẻ không theo kịp sự thay đổi đó để đáp ứng thì chắc chắn sẽ tụt lại phía sau hoặc bị đào thải. Nhà bán lẻ còn phải đi trước một bước, dự đoán nhu cầu của khách hàng để đưa ra sự điều chỉnh, cải tiến kịp thời.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đang tích cực triển khai các kế hoạch hành động nhằm phát triển chiến lược kinh doanh của mình, hướng đến mục tiêu 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2030. Ông Furusawa Yasuyuki nhận định thị trường Việt Nam hiện nay có những yếu tố tương tự tại Nhật Bản trong giai đoạn phát triển hoàng kim (khoảng thập niên 1970-1980), thậm chí có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa với sự hỗ trợ từ công nghệ. “Việt Nam sẽ là nơi AEON triển khai mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, trọng tâm là mở mới và đa dạng hóa các mô hình bán lẻ, phát triển sản phẩm và tăng tốc chuyển đổi số” – ông F.Yasuyuki nói.

Đại diện hệ thống MM Mega Market cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất tiềm năng, đầy triển vọng và đầy tính cạnh tranh dù áp lực từ lạm phát là không nhỏ. Tương lai, cạnh tranh bán lẻ sẽ là cuộc đua của những DN lớn. “Những DN bán lẻ lớn, chiếm thị phần chi phối sẽ có lợi thế hơn do thương lượng được với các nhà cung cấp, giúp giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát” – đại diện MM Mega Market cho hay. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11

Thương mại điện tử tăng trưởng tốt

Theo báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mới phát hành, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 dự báo ở mức 16,4 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2021. Mức tăng trưởng này còn cao hơn 2 năm trước đó là 16% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số khác cũng tăng trưởng đáng kể, như: số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ước tính năm 2022 đạt 57-60 triệu (năm 2021 đạt 54,6 triệu người); giá trị mua sắm trực tuyến của một người từ mức 251 USD năm 2021 ước tăng lên 260-285 USD năm nay; tỉ trọng doanh thu TMĐT bán lẻ so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2022 ước đạt 7,2%-7,8% thị phần từ mức 7% của năm 2021.

Loại hàng hóa, dịch vụ thường được mua trên mạng là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%); thiết bị đồ dùng gia đình (64%); đồ công nghệ và điện tử (51%); sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng (50%); thực phẩm (44%)…

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, năm 2022, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng cũng như bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước.

A.Na


Bài và ảnh: Thanh Nhân