Trong các ngày từ 5-9/7/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt – Lào, cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chuyến công tác và làm việc tại Lào.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, cũng như ý kiến chỉ đạo của hai Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Viêng-xa-vẳn Vi-lay-phon, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam đã dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành hai Ủy ban để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện một số thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Lào, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

Một trong những phần việc quan trọng, đó là Đoàn công tác liên ngành đã đi thực địa, kiểm tra một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, cũng như các dự án sử dụng vốn viện trợ Việt Nam dành cho Lào.

Gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư tại Lào, nâng cao hiệu quả đầu tư

Thông tin là khá tích cực khi các dự án đầu tư tại Lào vẫn đang trong quá trình triển khai, vận hành tốt. Trong đó, đáng chú ý có Dự án Xecaman 3 (huyện Đắk Chưng, tỉnh Sêkông), do Công ty cổ phần Điện Việt Lào (VIETLAO Power) đầu tư.

Báo cáo Đoàn công tác liên ngành hai Ủy ban, ông Phùng Minh Chà, Phó tổng giám đốc VIETLAO Power cho biết, sau một thời gian khắc phục sự cố, Nhà máy Thủy điện Xecaman 3 đã vận hành trở lại, chính thức hòa lưới điện Việt Nam vào tháng 5 vừa qua.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Viêng-xa-vẳn Vi-lay-phon kiểm tra Dự án Thủy điện Xecaman 3

Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Xecaman 1 vẫn đang vận hành ổn định, với tổng sản lượng điện bình quân bán về cho Việt Nam hơn 1.200 triệu kWh/năm.

Tuy vậy, báo cáo Đoàn công tác liên ngành, ông Phùng Minh Chà cho biết, một số khó khăn, vướng mắc cũng đã nảy sinh, nhất là về cơ chế giá điện. VIETLAO Power đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Thủy điện Xecaman 3 được áp dụng mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo quy định lại văn bản số 241/TTg-QHQT, với giá bán điện bình quân cho loại hình thủy điện là 6,95 Uscent/kWh…

Trong khi đó, báo cáo Đoàn công tác, Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắc (huyện Pắc-xế, tỉnh Champasak) cho biết, hơn 9.300 ha đã được Công ty phát triển trồng cao su, điều và kết quả đạt được là khá tích cực. Trong đó, hơn 8.500 cao su đã được đưa vào khai thác.

Kết quả, năm 2020, khai thác được hơn 15.2000 tấn mủ, đạt doanh thu 18,86 triệu USD. Năm 2021, con số này là 15.438 tấn, doanh thu trên 26 triệu USD. 5 tháng đầu năm, khai thác được 3.379 tấn, doanh thu trên 9,46 triệu USD.

Đoàn kiểm tra liên ngành hai Ủy ban kiểm tra tình hình sản xuất – kinh doanh của Công ty Cao su Đắc Lắc tại Lào

Việc giá cao su đang tăng cao cũng đã giúp không chỉ Cao su Đắc Lắc, mà cả Cao su Dầu Tiếng Việt – Lào cũng đã đạt kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian qua.

Tổng sản lượng khai thác của Cao su Dầu Tiếng Việt – Lào trong năm 2021 là hơn 8.434 tấn, với tổng doanh thu 311.424 triệu đồng. Con số trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.800 tấn, doanh thu 88,61 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng giám đốc Công ty, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với Công ty chính là công tác vận chuyển mủ cao su về Việt Nam.

Hiện nay, ông Hòa cho biết, đường giao thông thuận tiện nhất trong công tác vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam là tuyến đường Lào – Campuchia – Việt Nam qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước). Tuy nhiên, do 3 nước chưa ký kết hiệp định liên vận nên việc trung chuyển hàng hóa vẫn phải qua cửa khẩu Bờ Y, rất khó khăn do đèo dốc và cự ly lớn… Đây cũng chính là khó khăn được Cao su Đắc Lắc nhấn mạnh.

Tiếp tục chuyến công tác, Đoàn công tác liên ngành hai Ủy ban đã tới kiểm tra các dự án mỏ Thạch cao của Tổng công ty Hợp tác kinh tế – Quân khu 4 (huyện Xay Phu Thoong,tỉnh Savanakhet), dự án muối mỏ kali của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (huyện Nongkok, tỉnh Khăm Muộn), Dự án Khai thác – Chế biến khoáng sản bauxit và xây dựng nhà máysản xuất alumin tại huyện Đắk Chung, tỉnh Sêkông.

Thông tin cho biết, thời gian qua chủ đầu tư – Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, đã rất nỗ lực triển khai Dự án, kể cả trong thời điểm đại dịch Covid-19. Việt Phương cũng đã thực hiện thăm dò bổ sung để mở rộng việc khai thác, nâng cao hiệu quả dự án, trong đó có việc xin nâng công suất nhà máy từ 600.000 tấn alumin/năm lên 1 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, dự án muối mỏ kali đang trong quá trình tái cơ cấu, còn dự án mỏ thạch cao vẫn đang hoạt động ổn định, đã thu hồi được vốn đầu tư. Lũy kế đến cuối tháng 12/2021, đã thu hồi được hơn 2,2 triệu USD/983.000 USD vốn đầu tư, đạt lợi nhuận sau thuế trên 1,97 triệu USD…

Khó khăn lớn nhất với Công ty, theo Trung tá Võ Văn Hiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty, là hiện nay, giá nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đồng “kip” mất giá tới 70% so với đồng Việt Nam, nên gây khó khăn cho sản xuất – kinh doanh.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thị sát công trường khai thác mỏ thạch cao của Tổng công ty Hợp tác kinh tế – Quân khu 4

Chưa kể, công tác vận chuyển về Việt Nam đang gặp khó khăn, do phía Lào đang cấm xe vận tải nước ngoài, trong khi xe vận tải Lào chưa đáp ứng được nhu cầu…

Phát biểu tại các cuộc làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đánh giá cao kết quả đạt được của các dự án đầu tư tại Lào, đồng thời cho biết ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các dự án, để báo cáo lên Chủ tịch hai Ủy ban hợp tác, báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư, từ đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt – Lào.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2022 chính là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”, do vậy, việc đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ các dự án càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ mong muốn rằng, trong năm nay, sẽ có thêm các dự án được khánh thành và đi vào hoạt động, đồng thời đề nghị phía Lào tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào.

Đẩy nhanh tiến độ dự án hỗ trợ phát triển, thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào

Ngoài các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt – Lào đã cùng Thứ trưởng Viêng-xa-vẳn Vi-lay-phon, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam và Đoàn công tác liên ngành tới kiểm tra tiến độ triển khai các dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn; Dự án sửa chữa, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khăm Muộn)…

Dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc do UBND tỉnh Hà Tĩnh viện trợ xây dựng, với tổng mức trên 263 tỷ đồng. Dự án này được triển khai với mục tiêu xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu cho khoảng 500 ha diện tích đất canh tác thuộc 4 bản dân cư cụm Song Muong, huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn.

Đoàn công tác liên ngành hai Ủy ban nghe báo cáo tình hình triển khai xây dựng Dự án Thủy lợi Nỏng Bốc

Qua đó, nâng cao năng suất cây trồng, mở rộng phạm vi canh tác, cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân, cung cấp nguồn điện, chiếu sáng cho các hộ dân vùng dự án với tổng dân số 3.446 người…

Đồng thời, phòng, chống sạt lở bờ sông đoạn qua vùng dự án, chống sạt lở các công trình đầu mối, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ an toàn bờ sông Mê Kông…, cũng như tạo tiền đề, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi của tỉnh Khăm Muộn và các vùng lân cận. 

Hiện tại, hơn 110 tỷ đồng đã được cấp để triển khai xây dựng dự án. Một số hạng mục đã được triển khai, như xây dựng hệ thống lán trại, Văn phòng Ban Chỉ huy công trình, kho chứa vật tư, vật liệu…; triển khai công tác ván khuôn cốt thép và đổ bê tông cọc thử một số cọc chịu lực, chuẩn bị cho việc thi công tiếp theo…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương viếng thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đánh giá cao nỗ lực của đơn vị thi công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ đạo phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng của dự án, bởi đây là dự án có ý nghĩa đối với không chỉ người dân quanh vùng, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.

Trong khi đó, Dự án sửa chữa, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm Muộn đã hoàn thành vào cuối tháng 6/2022, sau 4 tháng thi công. Cả hai phía Việt Nam và Lào đã tổ chức lễ khánh thành, ban giao lại cho phía Lào đưa vào sử dụng.

Dự án này do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch viện trợ, với tổng mức vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng..

Hợp tác an ninh, quốc phòng chính là một lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Lào

Nhân chuyến công tác tại Lào, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chăn-thông Sỏn-ta-at.

Trọng thị tiếp Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chăn-thông Sỏn-ta-at đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, đồng thời khẳng định, hợp tác an ninh, quốc phòng chính là một lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Lào.