.
Một phiên họp của Quốc hội khoá XV.

Tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ tại kế hoạch vừa được Đảng đoàn Quốc hội ban hành.

Đây là kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới  và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị Trung ương sáu.

Về nhiệm vụ trên, kế hoạch nêu rõ, ngày 3/3/2022, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao, trong đó có nhiệm vụ tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tháng 12/2022, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về nội dung này. Căn cứ vào Kế hoạch số 11-KH/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan tiếp tục thực hiện các nội dung công việc.

Như, rà soát các nội dung, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, nếu thấy chưa đầy đủ thì tiếp tục cập nhật, tích hợp vào Tờ trình và dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục tham gia ý kiến trong quá trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Quy định về nội dung này. 

Theo kế hoạch, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chịu trách nhiệm chỉ đạo nhiệm vụ này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Lê Thị Nga giúp Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định chỉ đạo thực hiện. Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thường trực.

Kế hoạch cũng xác định thời gian sà soát các nội dung, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật trong Nghị quyết số 27-NQ/TW trong tháng 2/2023.

Nghiên cứu, tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội trong quá trình Bộ Chính trị ban hành Quy định: thời hạn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.        

Bên cạnh nhiệm vụ số 3 trên, kế hoạch còn nêu một số nhiệm vụ khác với yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện cụ thể.

Theo đó, nhiệm vụ 1 là tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân.

Nhiệm vụ 4 là chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội là nhiệm vụ thứ 5, cũng là nhiệm vụ cuối cùng được nêu tại kế hoạch.