Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Áp lực điều hành giá

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua đã tác động trực tiếp tới việc tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, giao thông – vận tải, y tế, vật liệu xây dựng, giáo dục…, khiến công tác điều hành giá gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng gia tăng đã gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước 5 tháng qua.

Dù hiện tại, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, nhưng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021; lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát…

Bộ Công thương cho biết, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 đến kỳ điều hành ngày 13/6 đã có 15 kỳ điều hành giá (trong đó, 12 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá). Tại kỳ điều hành giá mới nhất (13/6), giá xăng đã tăng lên mức kỷ lục mới, theo đó, xăng RON 95 đã vượt 32.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng mạnh tiếp tục là nguyên nhân gây “bão giá” nhiều loại hàng hóa, từ đó gây áp lực cho công tác điều hành giá cả.

Thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM, từ ngày 15/6, một số doanh nghiệp cung cấp trứng bình ổn cho TP.HCM như Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty TNHH MTV Đông Hưng, Saigon Co.op, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh 3 tại Đồng Nai đều đồng loạt tăng giá 5,71 – 6,78%. Trước đó, đầu tháng 4/2022, giá trứng bình ổn cũng được Sở Tài chính TP.HCM cho tăng 1.500 – 2.000 đồng/vỉ 10 quả. Dù vậy, Công ty Ba Huân cho biết, mức tăng giá này vẫn thấp hơn so với đà tăng ngoài thị trường.

Kiểm soát chặt, điều hành linh hoạt

Trước tình hình diễn biến giá cả hiện nay, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, đối với mặt hàng xăng dầu, phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Đồng thời, quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, công bố hàng tháng để hỗ trợ doanh nghiệp…

Đối với công tác quản lý giá vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh; học phí, sách giáo khoa…, Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn cho người dân và kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá cả nguyên, nhiên liệu trên đà tăng mạnh.

Tổ chức này đánh giá, cú sốc giá hàng hóa thế giới ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải, nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất – kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên – nhiên vật liệu, phụ liệu nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất… Điều này gây bất lợi cho Việt Nam khi giá năng lượng, nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh.