Khoanh nợ, hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi các doanh nghiệp (DN) sốt ruột chờ chính sách hỗ trợ từ ngành ngân hàng (NH), lãnh đạo nhiều NH thương mại cũng mong sớm triển khai giải pháp cụ thể để vừa thể hiện sự đồng hành cùng DN vừa giảm nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Đã gỡ khó cho 44.000 khách hàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NH Nhà nước, cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến tình trạng khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Theo thống kê của NH Nhà nước, đến nay đã có 23 tổ chức tín dụng báo cáo về tác động của dịch bệnh với khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, chiếm khoảng 14,27% tổng dư nợ tín dụng của các đơn vị này, đồng thời chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Tổng hợp 3 tuần đầu tháng 2-2020, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã xác định hơn 4.000 tỉ đồng dư nợ cho vay thuộc nhóm khách hàng bị ảnh hưởng ở các ngành hàng không, du lịch, khách sạn… Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và đã ảnh hưởng lan rộng ra nhiều ngành nghề khác, đẩy dư nợ bị ảnh hưởng lên tới 8.000 tỉ đồng. Eximbank đang chuẩn bị ban hành các tiêu chí, quy trình hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ hoặc cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng do Covid-19. Eximbank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1%/năm tùy theo đối tượng khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho hay khoảng 11% dư nợ cho vay của VietinBank từ các khách hàng DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch. Tác động của dịch Covid-19 đến các DN, cá nhân không nhỏ nên NH cũng đang phối hợp chặt chẽ để đánh giá nhằm có giải pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời. “Tình trạng mỗi DN rất khác nhau, có DN thiếu hụt nguyên liệu, có DN gặp khó về thị trường nên cần giải pháp hỗ trợ, đồng hành phù hợp” – ông Lê Đức Thọ phân tích.

Theo NH Nhà nước, đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều DN đã gửi văn bản tới các NH thương mại, nơi DN đang vay vốn, để xin hỗ trợ xem xét miễn – giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ. Trong vòng 3 tuần nay, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ hơn 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn – giảm lãi vay khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay khoản cho vay mới, miễn – giảm phí…

Các ngân hàng đều có chủ trương hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: TẤN THẠNH

Chờ điều kiện, thủ tục hỗ trợ cụ thể

Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc NH Bản Việt, nhận xét tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng nên giai đoạn này NH quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là vay mới. Cụ thể, tại NH Bản Việt khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Chính sách lúc này cần tập trung rà soát ảnh hưởng của dịch đến từng khách hàng để từ đó, cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay hiện hữu. Bên cạnh đó, NH cũng xem xét cho vay mới đối với một số DN có khả năng duy trì hoạt động tốt với lãi suất ưu đãi hơn để giảm bớt chi phí tài chính. NH Bản Việt đang rà soát những khách hàng có nghĩa vụ nợ trong tháng 3 và 4, phân nhóm mức độ ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập của khách hàng để đưa giải pháp hỗ trợ cụ thể” – ông Ngô Quang Trung nói.

Hiện các NH thương mại đang chờ văn bản hướng dẫn chi tiết trong dự thảo thông tư của NH Nhà nước nhằm nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng. Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, các NH phải xác định được mức độ thiệt hại của khách hàng bằng nhiều phương thức, cùng với đó là rà soát chặt chẽ quy trình thẩm định, mục đích sử dụng vốn của người vay nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ. “Cả NH thương mại lẫn DN đều rất cần NH Nhà nước sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, điều kiện, quy trình thủ tục, hồ sơ để áp dụng đồng bộ về cách thức triển khai, cũng là cơ sở pháp lý để các NH thực hiện rõ ràng” – tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM nói. Chuyên gia kinh tế, TS-LS Bùi Quang Tín cũng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định cụ thể về chính sách nhằm đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của DN để hỗ trợ kịp thời, đúng địa chỉ.

Hiện NH Nhà nước đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và các DN trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong đó, NH Nhà nước đang tiến hành thủ tục để ban hành gấp thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn – giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 3-3, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dự thảo thông tư hướng dẫn này có liên quan đến nhiều lĩnh vực nên NH Nhà nước phải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đóng góp ý kiến. Sau khi 2 bộ trả lời, NH Nhà nước sẽ lập tức ban hành để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý triển khai. 

Chính phủ ưu tiên hỗ trợ DN

Vấn đề miễn, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ để kịp thời hỗ trợ DN đã được các bộ, ngành đề xuất Chính phủ xem xét trong phiên họp thường kỳ tháng 2 ngày 3-3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh cộng đồng DN chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, các chính sách về miễn – giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Đây được xác định là biện pháp trước mắt để hỗ trợ DN, thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế – xã hội trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ thị về các giải pháp cấp bách đối phó với dịch Covid-19, trong đó có nhiều phương án ứng phó với nền kinh tế. Tinh thần là Chính phủ tập trung ưu tiên hỗ trợ DN các chính sách để phát triển, tập trung tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

M.Chiến

Tập trung hỗ trợ dòng tiền, thanh khoản

Về những chính sách hỗ trợ cần ưu tiên trong dịch Covid-19, TS Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu – NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả cung và cầu cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh kết thúc. Về chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu – BIDV đánh giá khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và DN là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ vấn đề này.

Quan trọng không kém, theo TS Cấn Văn Lực, trong trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn. Cụ thể là Chính phủ xem xét cho sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả BHXH cho người lao động của các DN, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh.


THÁI PHƯƠNG – THY THƠ