Khó tiếp cận giống cá chất lượng cao

Ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), gắn bó với nghề nuôi cá tra hơn 20 năm nay. Ông đang nuôi xoay vòng 4 ao cá, mỗi ao rộng từ 1.000 m2 – 4.000 m2.

Hao hụt đến 80%

Đợt vừa rồi, ông Hậu xuất bán cá ở 2 ao và thực hiện tiếp các bước thả con giống mới. Tuy nhiên, ông đang lo ngại cá giống bị hao hụt.

“Mấy vụ gần đây, ao nuôi của tôi liên tiếp hao hụt con giống với số lượng lớn, có vụ đến 60%. Tôi muốn tìm nguồn giống chất lượng để nuôi nhưng thực tế rất khó. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi và chi phí thức ăn tăng đang là trở ngại cho việc nuôi cá tra” – ông Hậu cho biết.

Khó tiếp cận giống cá chất lượng cao - Ảnh 1.

Người nuôi cá tra đang lo ngại vì chưa tìm được nguồn cá giống chất lượng cao

Những hộ nuôi cá tra tại An Giang phần lớn có thâm niên, kỹ thuật nuôi tốt. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ chất lượng con giống trong nững năm gần đây đã làm họ lo lắng.

Ông Huỳnh Nhan Thiện Trúc (ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), nuôi cá tra trên diện tích 9 ha. Để bảo đảm việc xuất bán thuận lợi, ông liên kết với một doanh nghiệp lớn tại An Giang và được cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật còn phần con giống phải tự lo. “Khi thả con giống vào ao, tôi thấy hao hụt rất nhiều. Lúc trước chỉ 10% – 20% nhưng vài năm trở lại đây mức hao hụt có khi lên đến 60%, cá biệt có vụ 80%. Lúc đó, sản lượng thu hoạch bị ảnh hưởng rất nhiều” – ông lo lắng.

Hiện nay, con giống từ Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang đã có mặt ở Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số doanh nghiệp tham gia đề án. Trong đó, Trung tâm Giống thủy sản An Giang là đơn vị đầu mối cung cấp con giống, kể cả cá tra bố mẹ chất lượng cho doanh nghiệp hay người nuôi có nhu cầu.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng số lượng cá tra giống chất lượng từ đề án cá tra 3 cấp vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp tham gia đề án hiện chỉ có thể cung cấp con giống cho các vùng nuôi nội bộ; còn người nuôi nhỏ lẻ khó tìm con giống từ đề án này.

“An Giang hiện có 4 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống cá tra nhưng chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Do đó, những hộ nuôi chưa tham gia liên kết sẽ rất khó khăn để có con giống chất lượng” – ông Dũng băn khoăn.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người nuôi vẫn còn tâm lý ham rẻ khi mua cá giống chưa bảo đảm chất lượng ở một số cơ sở. Việc này dẫn đến hao hụt con giống và làm tăng chi phí trong quá trình nuôi.

“Người nuôi cá tra nên mua con giống chất lượng cao từ đề án cá tra 3 cấp. Con giống tốt sẽ giúp quá trình nuôi thuận lợi; đồng thời giúp các nơi sản xuất con giống theo đề án cá tra 3 cấp tập trung đầu tư, mở rộng quy mô, từ đó đáp ứng nhu cầu của người nuôi và góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá tra của tỉnh” – ông Thư nhấn mạnh.

Thay thế nguồn giống “lão hóa”

Đồng Tháp hiện có 76 cơ sở sinh sản cá tra giống với diện tích khoảng 900 ha. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh này đã sản xuất được khoảng 10,2 tỉ con cá tra bột và 1,1 tỉ con cá tra giống.

Đáng chú ý, 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản của Đồng Tháp đã tiếp nhận 32.010 con cá tra chọn từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II rồi cung cấp cho các ao nuôi khoảng 600.000 con mỗi năm. Như vậy, toàn tỉnh Đồng Tháp có nhu cầu khoảng 1,3 – 1,4 tỉ con/năm nhưng số lượng con giống chất lượng từ Đề án cá tra 3 cấp như hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 50%.

Ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho hay thời gian qua, người nuôi đã từng bước cải thiện quy trình sản xuất giống cũng như chú trọng tuyển chọn đàn cá tra bố mẹ nhằm sản xuất đàn giống chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. Hiện nay, đàn cá tra chọn giống mà địa phương tiếp nhận chỉ có ưu thế tăng trưởng nhanh, tỉ lệ phi lê cao mà chưa có khả năng kháng bệnh.

“Việc sản xuất giống cá tra trên địa bàn tỉnh duy trì cung ứng đủ cho thả nuôi thương phẩm. Chúng tôi đang đề xuất đăng ký tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đàn cá tra hậu bị có tỉ lệ tăng trưởng nhanh, tỉ lệ phi lê và kháng bệnh cao để giao cho các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất giống nhằm thay thế dần đàn cá tra bố mẹ đã “lão hóa” tại địa phương” – ông Trường thông tin.

Đến năm 2050 sẽ cung cấp 100% nhu cầu

Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, nếu vùng này đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu con giống chất lượng cao cho ĐBSCL – nhu cầu toàn vùng là 2,2-2,5 tỉ con; đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao – nhu cầu toàn vùng là 2,5-3 tỉ con.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Khó tiếp cận giống cá chất lượng cao - Ảnh 3.
Khó tiếp cận giống cá chất lượng cao - Ảnh 4.
Khó tiếp cận giống cá chất lượng cao - Ảnh 5.


Bài và ảnh: VĨNH KỲ