Khó giảm lãi suất

Theo báo cáo, năm 2022 áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm dự kiến vượt 4%, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023. Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các NH trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Lãi suất cho vay đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tỉ giá USD/VNĐ cũng có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VNĐ.

Báo cáo chỉ rõ áp lực lên vốn tín dụng NH tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ nhà nước (các khoản thu từ thuế, phát hành trái phiếu…) hiện nay ở mức cao, ngày càng tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế; nguồn cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao để phục vụ sản xuất – kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, NH Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tham khảo ý kiến rộng rãi để xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp phù hợp.


D.Ngọc