Sau 21 ngày làm việc, thông qua 7 luật và nhiều nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 7 dự án luật khác, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khá lớn. Theo nghĩa thông thường, các vị đại biểu Quốc hội đã có thể “thở phào” sau chuỗi ngày dài triền miên nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến thảo luận từ tổ đến hội trường, rồi “cân não” chọn “đồng ý” hay “không đồng ý” trong không ít vấn đề cần quyết định, dù qua phiếu xin ý kiến hay bấm nút thông qua tại hội trường.

Thế nhưng, phiên bế mạc, hành lang Quốc hội có những vị đại diện của dân khá trầm tư, bởi đã có thể “thở phào” nhưng chưa nhẹ nhõm. Lý do là, dù 14/15 chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 được dự báo đạt và vượt, Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 cũng đã được quyết định với số phiếu khá chụm và ngân sách đã phân bổ xong, nhưng dự cảm về năm mới đầy bất định.

Bất định vì tác động bên ngoài khó đoán định, nhưng chủ yếu vẫn từ nội tại. Khi mà ngay chính trong kỳ họp thứ tư này, trên nghị trường, bộ trưởng năm lần, bảy lượt quả quyết không thiếu xăng, nhưng ngoài cuộc sống, người dân xếp hàng vài tiếng chưa chắc đã mua được mặt hàng rất thiết yếu này. Đáng nói, đó không chỉ là câu chuyện của xăng, mà chính là lỗ hổng trong quản lý, khi có “cơ hội” đã bộc lộ một cách khốc liệt hơn bình thường mà thôi.

Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ nói “tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường”. Nhận định này có lẽ không chỉ đúng với câu chuyện điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Và sau việc “nghiêm túc rút kinh nghiệm” như thông tin từ Thủ tướng, cần cả những hành động cụ thể hơn, như Quốc hội đã yêu cầu. Đó là, công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng dầu.

Với năm 2023, Quốc hội cũng đã yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Hiện thực hoá yêu cầu này, theo một số vị đại biểu, là vô cùng quan trọng. Bởi nếu đến kỳ họp tới, mà vẫn có đại biểu phải nhắc đến tình trạng “cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa” thì làm sao có thể giải ngân 726.700 tỷ đồng cho đầu tư phát triển – số tiền tăng tới 38,1% so dự toán năm 2022. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn đang được nhận định là điểm nghẽn của phát triển. Chưa kể gói hỗ trợ lãi suất 2% rồi giải ngân cho ba chương trình mục tiêu quốc gia đều đang ở “tốc độ rùa”.

Tiền cứ nằm trong két thì làm sao nền kinh tế có thể tăng tốc, làm sao các dự án quan trọng quốc gia có thể hoàn thành đúng tiến độ, nguồn lực nào lo cho an sinh xã hội, lo vực dậy ngành y đang quá mức tiêu điều… Đó không chỉ là trăn trở của một vài đại biểu.

Thế nên, dù Quốc hội đã tận dụng mọi cơ hội, thời gian để theo sát yêu cầu của cuộc sống, dù những gì Chính phủ đề xuất mà thuộc thẩm quyền, có gấp gáp Quốc hội cũng đều “châm chước” quy định về thời gian để xem xét, đại biểu vẫn chưa thể nào “nhẹ nhõm”. Bởi khâu tổ chức thực hiện vẫn là yếu tố quyết định để quyết sách đúng, kịp thời từ nghị trường có thể đi vào cuộc sống kịp thời và đúng đắn.

Thế nên, để không riêng gần 500 đại biểu Quốc hội, mà cử tri cả nước có thể “thở phào nhẹ nhõm” thì “những việc cần làm ngay” đã được Quốc hội yêu cầu cần phải được thực hiện theo đúng tinh thần đó. Để người bệnh không còn thiếu thuốc, trường học không thiếu giáo viên, thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản phát triển lành mạnh, người dân và doanh nghiệp yên ổn làm ăn.

Khi đó, kỳ họp thứ tư này của Quốc hội mới thực sự thành công.