Đó là đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 10 (CIECI 2022) với chủ đề: “Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới” diễn ra ngày 25/11.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những xu thế lớn và tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Theo tiến trình phát triển thương mại thế giới, nội dung của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã từng bước được phát triển từ truyền thống sang thế hệ mới; mở rộng từ tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sang tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan; tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Vì vậy, các FTA thế hệ mới không chỉ mở ra cơ hội đầu tư, thương mại tiềm năng cho các quốc gia mà còn góp phần to lớn thúc đẩy tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, bên cạnh những cơ hội cho doanh nghiệp trong nước như mở rộng thị trường nước ngoài, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tiếp cận các tiêu chuẩn toàn cầu, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm kinh doanh quốc tế…, các FTA cũng đặt ra những thách thức riêng đối với quốc gia và doanh nghiệp trong nước, chẳng hạn như các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để được hưởng các điều kiện ưu đãi từ các hiệp định, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước…

Trong xu thế phát triển chung, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia và ký kết thành công các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên – Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (CPTPP).

Hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 10 (CIECI 2022).

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần có những dấu hiệu bất ổn do đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế – chính trị khác, chính hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục phát triển bất chấp thị trường có nhiều biến động.

Ông dẫn chứng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn của năm 2021, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của cả năm ghi nhận mức tăng 22,6% so với năm trước. Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 được công bố tháng 9/022 dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% vào cuối năm 2022 – cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

“Điểm sáng này một phần nhờ vào việc thực hiện 15 FTA, trong đó các FTA thế hệ mới đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tiền đề cho sự phát triển của Việt Nam theo xu hướng thương mại hiện đại của thế giới”, ông Lê khẳng định.

Theo GS. Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF tại Việt Nam, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có phần khác biệt so với nhiều nước trên thế giới, nhờ duy trì nền tảng kinh tế tích cực. Trong đó, bao gồm các cam kết rõ ràng của Việt Nam đối với thương mại tự do, chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư…

GS. Andreas Stoffers cho rằng, bên cạnh mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, các FTA thế hệ mới cũng cần được coi là như một động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.