Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang đóng góp tích cực cho điểm sáng đó.
Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ nhiều cho công tác phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến 17h30 chiều 19/8, Bộ Công thương tổ chức “Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài”.

Hội nghị sẽ được tổ chức với điểm cầu trực tiếp tại Trụ sở Bộ Công thương và các điểm cầu tại 62 cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương…

Hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Trong đó, Khu vực châu Á – châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai). Số thị trường kiêm nhiệm: 55; Khu vực Châu Âu – châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm: 60.

Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Những năm qua, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài đã hỗ trợ nhiều cho công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Trong 3 trụ cột chính của tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào mức tăng GDP của cả nước, trụ cột này vẫn có tăng trưởng mạnh, ngay cả trong 2 nâm đại dịch cao điểm vừa qua.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, xuất siêu gần 4 tỷ USD. Năm 2020 xuất khẩu 282,66 tỷ USD, tăng 7%, xuất siêu hơn 19 tỷ USD.

7 tháng 2022, xuất khẩu đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 1 tỷ USD.

Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, hoạt động xuất nhập khẩu dù gặp phải nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh chưa kết thúc, và xung đột Nga-Ukraine đẩy giá nguyên nhiên liệu và cước vận chuyển tăng rất cao, nhưng tổng thể, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội.

7 tháng 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 433,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,9%),  nhập khẩu đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trên 1,0 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 48,7%). Nhóm nông sản, thủy sản tăng 14,6% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,7%, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón…

Xuất nhập khẩu luôn giữ đà tăng trưởng cao trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.