Sáng 21/02, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 đã được diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với sự tham dự của hơn 320 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong giai đoạn tới. Đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

“Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng điều hành Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng điều hành Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND

Năm 2022, hoạt động Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đã tổ chức thành công 02 kỳ họp thường lệ, 01 kỳ họp bất thường, ban hành 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội… sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với việc lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2021 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 03 miền Bắc, Trung, Nam và 06 Hội nghị khu vực trong cả nước.

Đã ban hành nhiều văn bản, giải quyết 53 ý kiến, kiến nghị của các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thể chế; ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 và Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH5 tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động giám sát của HĐND ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn; Chính phủ kịp thời trong việc ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 và nhiều kế hoạch, chương trình, thông tư, nghị định làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, HĐND đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng Hội nghị
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng Hội nghị

“HĐND đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của hội đồng nhân dân các cấp”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, trong năm 2022, qua giám sát của HĐND cấp tỉnh, đã có 8.083/11.229 kiến nghị được giải quyết (tỷ lệ 70,39%), đáng nói, một số tỉnh có tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Số kiến nghị cử tri được giải quyết trung bình của cả nước là 83,05%, nhiều tỉnh có tỷ lệ giải quyết đạt 100%…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị

Năm 2022, các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 198 kỳ họp chuyên đề, 51 kỳ họp phát sinh đột xuất. Trong đó, một số tỉnh, thành phố tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề như: Kiên Giang (8 kỳ họp); Đắk Lắk, Khánh Hòa (7 kỳ họp); Hậu Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Sơn La, (6 kỳ họp); Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đắk Nông, Bình Thuận (5 kỳ họp). HĐND các tỉnh, thành phố đã ban hành tổng số 5.873 nghị quyết (1.675 nghị quyết quy phạm pháp luật, 38 nghị quyết chất vấn, 3.860 nghị quyết cá biệt và 300 nghị quyết về nhân sự).

Bên cạnh đó, trong năm 2022, nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên địa bàn và thu ngân sách cao, như: TP. HCM (đạt 9,0%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 478,732 tỷ đồng); Hà Nội (đạt 8,9%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 331,969 tỷ đồng); Hải Phòng (đạt 12,3%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 106.104 tỷ đồng); Bà Rịa – Vũng Tàu (đạt 7,2%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 71,555 tỷ đồng); các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt cao từ 50.000 tỷ đồng trở lên; nhiều tỉnh đã vượt thu ngân sách nhà nước so với dự toán trên 50%.

Tại Hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có các bài tham luận. Trên cơ sở chương trình nghị sự của hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan hữu quan. Đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.