Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và xây dựng chương trình công tác năm 2023, do Văn phòng Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức trong ngày 29/12/2022.

Theo đó, trong năm 2022, cả nước có cả nước có 29.378 hợp tác xã, tăng 7% so với năm 2021. Số lượng liên hiệp hợp tác xã là 125, tăng khoảng 17% so với năm trước đó.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong năm 2022 đã có nhiều tín hiệu tích cực, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; Chính phủ thực thi nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất cũng như bản thân các hợp tác xã đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh kinh doanh.

Trong năm 2022, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt 3,5 tỷ đồng, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021. Lãi bình quân của một hợp tác xã là 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, tương đương khoảng 71% so với năm 2021. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương khoảng 8% so với năm 2021.

Tuy vậy, bà Phạm Thị Thuý Hồng, Trưởng phòng chuyên trách Văn phòng Đổi mới Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho rằng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; biến động giá cả xăng dầu, nhiên liệu dẫn đến nhiều vật tư đầu vào tăng cao; khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là với các hợp tác xã vận tải và nông nghiệp.

Ngoài ra, nguồn vốn của hợp tác xã còn ít, các tài sản hiện có đã xuống cấp, đất đai chủ yếu là đi thuê, hoặc mượn tạm trụ sở để hoạt động. Quá trình chuyển đổi số của khu vực hợp tác xã bước đầu được quan tâm, tuy nhiên diễn ra chậm so với các loại hình tổ chức kinh tế khác và còn nhiều bất cập. Tỷ lệ ứng dụng tin học, chuyển đổi số còn rất thấp; thiếu đồng bộ.

Đa số hợp tác xã còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm, năng lực liên kết sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng yếu; nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

“Đa số sản phẩm chưa có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, chưa thực hành nông nghiệp tốt để tham gia thị trường xuất khẩu. 80% nông sản của hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ được tiêu thụ ở chợ đầu mối, chợ truyền thống”, bà Hồng thông tin thêm.

Đồng quan điểm với bà Hồng, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, nhận định bức tranh kinh tế tập thể phát triển rất mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, năm 2023 cần kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo tiến độ kế hoạch đề ra trong năm 2023…