.
Điểm cầu Diên Hồng, phiên họp sáng 28/3.

Thảo luận dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) sáng 28/3, vấn đề trên được nhiều đại biểu quan tâm, dù mới được bổ sung sau kỳ họp thứ hai (Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án luật này).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này. Ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ, khoản 2 điều 7 dự thảo luật mới nhất quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”.

Quy định này được nhiều đại biểu đồng tình, dù còn có băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) băn khoăn rằng, phương án xử lý, quy định như trên liệu có giải quyết được vấn đề đã xảy ra tròng thực tiễn hay không.

“Vừa rồi, qua sự kiện thể thao, chúng ta không được nghe Quốc ca nên đặt ra rất nhiều vấn đề. Quá trình rà soát lại cho thấy lỗ hổng khá lớn, đó là, cho đến bây giờ chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca ngoài văn bản quy định từ năm 1957. Đây là lỗ hổng chưa hoàn thiện cơ chế pháp lý”, ông Long nhìn nhận.

Đại biểu Long cũng đặt vấn đề, lần sửa đổi này có thể xử lý lỗ hổng trên được không và đề xuất, đối với thẩm quyền hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nên giao Chính phủ và nên cân nhắc quy định ở khoản 2 Điều 7.

Đồng tình, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) nhấn mạnh đề xuất bổ sung quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là sự cập nhật rất kịp thời.

Theo đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã có văn bản liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, nhưng chủ yếu là quy định xử lý hành vi xâm phạm. Còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì có thể áp dụng quy định chung, tuy nhiên, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là biểu tượng quốc gia, được quy định trong HIến pháp thì cần có quy định riêng, đối xử đặc biệt hơn.

Mặt khác, theo báo cáo của Chính phủ, nhiều nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Sự cần thiết, theo ông Nam, còn xuất phát từ thực tiễn, thời gian vừa qua có một số vụ việc, đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ trên không gian mạng, tắt tiếng khi phát Quốc ca gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến  việc nhân dân tiếp cận Quốc ca, ảnh hưởng đến hình ảnh, cũng như thể diện quốc gia.

Còn có cả những trang mạng ở nước ngoài bán sản phẩm mô hình theo Quốc huy. Hành vi xúc phạm trên không thể chấp nhận được và Luật Hình sự đã có quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, những việc này cần phải xử lý, ông Nam nêu quan điểm.

Về sở hữu trí tuệ, theo đại biểu Nam, nếu không có quy định cụ thể về quyền tác giả, các quyền có liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật có hành vi ngăn chặn, cản trở, việc phổ biến hay xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca…

Do đó, việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền đối với nội dung có tính chất pháp lý quan trọng cần thiết nhằm vừa giữ gìn sự trang nghiêm, tôn nghiêm vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến cho nhân dân, quốc tế, thực tiễn như đề nghị của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật là cần thiết, đại biểu Nam góp ý.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hiện nay đã được điều chỉnh tại Hiến pháp và rất nhiều văn bản khác, trong đó Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hành vi xâm phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Vì thế, ở luật này chi đặt vấn đề quy định trên phương diện sở hữu trí tuệ, tiếp thu như vậy là phù hợp, ông Tùng nói.