Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị đã có buổi gặp, làm việc với Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI) ông Thomas Bustrup.
Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị có buổi gặp với Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI) ông Thomas Bustrup tại Copenhagen hôm 9/8 trao đổi về hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước..

Thông tin về chuyến đi của Thái tử kế vị Đan Mạch sẽ thăm Việt Nam, cùng với 31 tập đoàn và doanh nghiệp lớn, trong đó có 3 quỹ tín dụng và đầu tư vừa được bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng chủ trì với hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Thúy cho hay, sau những biến cố liên tiếp của thị trường như chiến tranh thương mại, đại dịch, xung đột quân sự…,  thương mại, sản xuất, dịch vụ đang có sự chuyển dịch ở mọi cấp độ và phạm vi. “Trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam nhưng đang có xu hướng chuyển dịch. Nếu chỉ tính riêng đầu tư mới trong 7 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch vươn lên thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam”.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, với dự án Lego tại Bình Dương, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc).

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, Đan Mạch cũng rất mạnh về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Dân số chỉ 5 triệu người, Đan Mạch đang sản xuất lương thực, thực phẩm cho 15 triệu người với lượng khí thải lại thấp nhất châu Âu.

Từ 17-19/8, đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm… đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch đầu tư và kinh doanh của Đan Mạch về Việt Nam.

Ngoài Đan Mạch, doanh nghiệp Thụy Điển và Na Uy cũng quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo…

“Thụy Điển là nước xếp thứ hai trên thế giới về đổi mới sáng tạo. Hiện, nhiều doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm đến “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” của Việt Nam. Thế giới đang thay đổi và Việt Nam không thể đứng ngoài, chúng ta cần tận dụng cơ hội để đón đầu các xu hướng dịch chuyển mới này”, bà Thúy nhấn mạnh.

Bên cạnh lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU nói chung và các nước Bắc Âu đang được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo số liệu thống kê năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang 27 nước EU khoảng 40 tỷ USD, trong đó 7 nước EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam đã nhập khẩu hơn 31 tỷ, chiếm gần 80%, còn 20 nước nhỏ, trong đó có các nước Bắc Âu, hàng Việt vẫn chưa phủ sóng đáng kể.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, đối với 20 thị trường nhỏ của EU, cần xây dựng chiến lược tăng cường quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. “Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam”.

Dân số ít nhưng là các nước Bắc Âu có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và kim ngạch nhập khẩu khá ấn tượng, đạt hơn 400 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ổn định.

Thêm nữa, thị trường Bắc Âu nhỏ nhưng có tiềm lực về kinh tế, có các thế mạnh về các ngành công nghiệp bổ trợ cho Việt Nam.

“Hướng đi hiệu quả nhất là thu hút các tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu”, bà Thúy đề xuất.

Bởi, một khi các tập đoàn này đầu tư sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ thì sẽ giúp tăng đầu tư, tăng xuất khẩu nguyên liệu tại chỗ, và tăng kim ngạch xuất khẩu không chỉ sang Bắc Âu mà còn cả các nước khác.