Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Hải Dương đã phát huy tiềm năng, lợi thế, chủ động nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, hoạt động hội nhập và hợp tác kinh tế đạt được những kết quả tích cực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội đề ra hầu hết đạt và vượt (17/20 chỉ tiêu).

Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hải Dương bình quân 5 năm đạt 9,1%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt 203.738 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm; quy mô kinh tế gấp 1,7 lần so với năm 2015; tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Báo cáo chính trị của Hải Dương cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ về kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ và môi trường, quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp, đối ngoại. Đó là, kinh tế tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; thực hiện cơ cấu lại còn chậm. Khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét. Môi trường kinh doanh chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) thấp so với mặt bằng chung cả nước và các tỉnh trong vùng. Chưa huy động hết các nguồn vốn đầu tư cho phát triển; đầu tư còn dàn trải, manh mún; hiệu quả đầu tư chưa cao, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm. Chưa khai thác hết lợi thế so sánh để thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa còn gặp khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành chậm, lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. Công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế sản xuất. Quy mô, chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu thị trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII. Các dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, bài bản và cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo các hướng dẫn của Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị

“Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, có quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, cơ hội để Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp rất lớn và nên coi đây là hướng đi chính. Từ phát triển công nghiệp sẽ kéo theo dịch vụ, du lịch phát triển, đây là những yếu tố để bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bình thì, Hải Dương cần xác định rõ chiến lược thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 23 của Trung ương. Không nhất thiết phải đợi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, nên thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác lợi thế gần Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển nông nghiệp và du lịch nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân. Tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm đặt mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao để phát triển thực chất.

Hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025
Hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cảm ơn những ý kiến góp ý thiết thực của ông Nguyễn Văn Bình và của Ban Kinh tế Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ tiếp thu các ý kiến, đánh giá đúng, trúng tình hình của tỉnh thời gian qua để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho nhiệm kỳ tới, quyết tâm đưa tỉnh Hải Dương có những bước phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Trước đó, qua nghiên cứu, Ban Kinh tế Trung ương đã nêu một số góp ý và khuyến nghị đối với tỉnh Hải Dương. Ban đề nghị Báo cáo chính trị cần làm nổi bật hơn tính toàn diện và tính chưa bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhiệm kỳ qua. Cần phân tích và đánh giá sâu về những nguyên nhân của tính không bền vững, nhất là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ đô thị hóa thấp, chưa có sự gắn kết giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn và bảo vệ môi trường… Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp cho phương thức phát triển nhanh và bền vững mà tỉnh Hải Dương đặt ra trong thời gian tới. Ban Kinh tế Trung ương cũng gợi ý 3 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội cho Hải Dương trong thời gian tới là công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao và dịch vụ chất lượng cao.