Cụ thể, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 18.800 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, toàn tỉnh đón trên 390.000 lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng thu ngân sách đến ngày 5/5 đạt 6.139 tỷ đồng, đạt 32% dự toán và bằng 88% cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30/4, vốn đầu tư công trên địa bàn giải ngân đạt 1.192/8.425 tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch.

Kết quả công bố các chỉ số cấp tỉnh năm 2022, Hà Tĩnh xếp thứ 18 toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 9 bậc so với năm 2021; thứ 28 về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); thứ 7 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); thứ 8 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động công tác 4 tháng đầu năm 2023
Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động công tác 4 tháng đầu năm 2023

Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Trong 4 tháng có 402 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 13%); 160 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 21%); 327 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 37%); 80 doanh nghiệp giải thể (tăng 57%).

Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2023 ước đạt 330,22 tỷ đồng, tăng 11,35% so với tháng trước, giảm 13,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 240,33 tỷ đồng, tăng 12,24% so với tháng trước và giảm 17,45% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 63,67 tỷ đồng, tăng 8,69% so với tháng trước và giảm 9,17% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 26,22 tỷ đồng, tăng 9,92% so với tháng trước và tăng 39,34% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý 4 tháng đầu năm ước đạt 1.168,30 tỷ đồng, giảm 18,08% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do vốn kế hoạch năm giảm mạnh so với năm trước. Nhìn chung những tháng đầu năm 2023 khó khăn trong tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, vướng mắc trong công tác bàn giao ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án lớn trên địa bàn.

Trong những tháng đầu năm, tỉnh cũng đã tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: chuẩn bị cho Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm; xây dựng nông thôn mới; khai trương mùa du lịch biển và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch…

Trong đó, đáng chú ý, dự kiến cuối tháng 5, UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố Quy hoạch thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và kết hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Sự kiện này địa phương đặt nhiều kỳ vọng cho việc tạo sức bật cho sự phát triển Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Năm 2023, với mục tiêu thu hút trên 100 dự án có tổng mức vốn khoảng 2.5 tỷ USD, Hà Tĩnh mời gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ… Cùng đó, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược là các tập đoàn lớn trong nước (Vingroup, T&T, TH…) và các đối tác tiềm năng nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…).