Nội đã có 1.503 trường công lập đạt chuẩn quốc gia

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, đến ngày 30/9, trên địa bàn Thủ đô có 1.503 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 67,3% tổng số trường công lập. 

Đến ngày 30/9, trên địa bàn Thủ đô có 1.503 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 67,3% tổng số trường công lập. 

Để đạt mục tiêu có từ 80% đến 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, trong năm 2022, Thành phố giao các địa phương xây dựng 70 trường chuẩn.

Đến ngày 30/9, có 20 trường được công nhận đạt chuẩn, 20 trường đang trong quy trình đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng trước khi làm hồ sơ trình UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định công nhận. Như vậy, 57% số trường trong kế hoạch năm nay đã cơ bản hoàn thành.

Theo ghi nhận, hầu hết đơn vị đều ở chặng cuối của việc hoàn thiện các hạng mục đầu tư để sớm đề nghị được công nhận đạt chuẩn. Trong đó, quận Cầu Giấy phấn đấu có 6 trường được công nhận đạt chuẩn; quận Hai Bà Trưng quyết tâm hoàn thành 2 trường; quận Bắc Từ Liêm đặt mục tiêu được công nhận 3 trường.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, dịp 10/10/2022, Trường Tiểu học Ngọc Hà trên địa bàn quận Ba Đình đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia, quận này đã hoàn thành kế hoạch năm 2022. 

Hiện quận Ba Đình có 41 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 84%, xếp thứ 5 thành phố về xây dựng trường chuẩn.

Tại huyện Gia Lâm, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm khẳng định, huyện sẽ hoàn thành xây dựng 2 trường chuẩn quốc gia (Trường Mầm non Trung Mầu và Trường Mầm non thị trấn Yên Viên) theo chỉ tiêu được giao năm 2022.

Hai trường này được mở rộng diện tích lên gấp đôi; các hạng mục xây dựng và đầu tư đều đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi 2 trường này được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn, huyện Gia Lâm sẽ có 76 trường đạt chuẩn trong tổng số 79 trường công lập trên địa bàn.

Trong khi đó, huyện Ba Vì được Thành phố Hà Nội giao xây dựng 8 trường chuẩn, nhưng huyện phấn đấu xây dựng 18 trường. 

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho hay, đến hết tháng 9/2022, huyện Ba Vì có 7 trường được kiểm tra đánh giá ngoài, 2 trường chờ được kiểm tra trong tháng 10, số còn lại đang gấp rút hoàn thiện điều kiện để đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra vào tháng 11 và tháng 12.

Còn ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, huyện có 2/4 trường trong kế hoạch năm 2022 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra đánh giá ngoài, 2 trường còn lại đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đón đoàn kiểm tra trong tháng 10, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu. 

Với 4 trường được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2022, toàn huyện Thanh Trì sẽ có 62/73 trường chuẩn, đạt gần 85%.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được Thành phố Hà Nội quan tâm và tập trung thực hiện, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. 

Cũng theo ông Cương, kết quả xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2022 trên địa bàn Thủ đô sẽ tạo đà cho những năm tiếp theo, để đạt từ 80% đến 85% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đề ra.

Huyện Đông Anh, Hà Nội có 81,5% trường học đạt chuẩn Quốc gia

Một trong những địa phương làm tốt việc xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải kể đến huyện Đông Anh. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, công tác giáo dục – đào tạo là một trong những nhiệm vụ được huyện đặc biệt quan tâm. Quy mô trường lớp, học sinh tiếp tục mở rộng; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tiếp tục được bổ sung, kiện toàn và nâng cao về chất lượng; quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, kỷ cương, nền nếp chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được đặc biệt quan tâm, toàn huyện hiện có 75 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 81,5%. Trong đó, 14/75 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, tỷ lệ 18,7%. 

Năm 2021, huyện Đông Anh, Hà Nội hoàn thành xây dựng 7 trường đạt chuẩn Quốc gia với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 452 tỷ đồng; công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia cho 5 trường với tổng mức kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó, có 6 trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 2,  nâng số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia trong toàn Huyện lên 75 trường, đạt tỷ lệ 81,5%. Trong đó: 14/75 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, đạt tỉ lệ 18,7%.

Trong năm 2022, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, dự kiến thêm 7 trường. Đồng thời thực hiện các bước đầu tư xây dựng trường phổ thông liên cấp tiên tiến hiện đại theo Chương trình 06-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.

Theo Kế hoạch số 236-KH/UBND của UBND Thành phố Hà Nội về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025, Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu có tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80 – 85%. 

Thành phố đặt mục tiêu duy trì, giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. 

Trong giai đoạn 2022 – 2025, toàn thành phố phấn đấu tăng thêm từ 432 – 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp mầm non từ 153-201 trường; cấp tiểu học từ 163 – 211 trường; cấp trung học cơ sở từ 100 – 119 trường và cấp trung học phổ thông từ 16 – 21 trường.

Kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó giải pháp đầu tiên là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng trong phát triển giáo dục và đào tạo, là giải pháp tiên quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn…  

Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong kế hoạch gồm: Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tăng cường huy động các nguồn lực… 

UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc rà soát, kịp thời bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác đáp ứng chuẩn quốc gia đối với các trường học phân cấp quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp bổ sung quỹ đất, phân luồng, phân tuyến tuyển sinh bảo đảm quy mô trường, lớp, số học sinh trên một lớp, bình quân diện tích đất trên mỗi học sinh theo quy định để hoàn thành công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022 và kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025.