Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành phương án đề xuất phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính trước 5/8/2022, Chủ tịch UBND Thành phố  Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND Thành phố, UBND cấp huyện thực hiện rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính.

Hình minh họa.

Cụ thể, các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND Thành phố rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực mình, bao gồm: Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố, của Chủ tịch UBND Thành phố, của Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND Thành phố, của UBND cấp huyện.

UBND cấp huyện rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Thành phố, cấp huyện. Không thực hiện rà soát các thủ tục hành chính ngành dọc của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố và thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.

Ngoài danh mục thủ tục hành chính theo phương án phân cấp đang được Văn phòng Chính phủ rà soát trình Thủ tướng phê duyệt; các Sở, ban, ngành rà soát, cập nhật, bóc tách, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý trong Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố Hà Nội và tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính còn lại, đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền cụ thể.

Trên cơ sở đó, tổng hợp, đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền tổng thể về thủ tục hành chính theo một trong các phương án sau:

Đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố: Điều chỉnh thẩm quyền giải quyết cho Chủ tịch UBND Thành phố; đề xuất ủy quyền cho Sở, ngành, cơ quan thuộc UBND Thành phố; UBND cấp huyện; đề xuất phân cấp cho UBND cấp huyện.

Đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND Thành phố: Đề xuất ủy quyền cho Giám đốc, thủ trưởng sở, ngành, cơ quan thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện; đề xuất phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện.

Đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố: đề xuất phân cấp/ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; đề xuất phân cấp cho cấp huyện hoặc cấp xã.

Đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện: đề xuất ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng phòng/ban thuộc UBND cấp huyện; đề xuất phân cấp cho UBND cấp xã.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đối với ít nhất 20% tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành thuộc UBND Thành phố, UBND cấp huyện, trừ các TTHC đang quy định cấp có thẩm quyền quyết định là UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp xã.

Việc phân cấp, ủy quyền phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ.

Bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, tính liên tục, không trùng, không sót trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền phân cấp quản lý nhà nước; thực hiện phân cấp hợp lý giữa UBND Thành phố với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và ủy quyền phù hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo hướng: Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Bảo đảm phân cấp, ủy quyền triệt để, hợp lý từ khâu tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC và phù hợp với khả năng thực hiện của cấp, cơ quan được phân cấp, ủy quyền để bảo đảm hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước và hướng tới việc thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với việc thực hiện TTHC của cơ quan phân cấp với cơ quan được phân cấp, thông qua nhiều biện pháp, cách thức và công cụ phù hợp.

Kịp thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước;

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan giải quyết; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.