Ra mắt ứng dụng quảng bá chuyên biệt

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, dịch Covid-19 khiến lượng khách du lịch tới các điểm tham quan ở Thủ đô giảm khoảng 60%, hệ thống cơ sở lưu trú giảm khoảng 50%, có những ngày thấp điểm chỉ đạt công suất 30%. Tình hình kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều rất khó khăn.

“Vì thế, nhiệm vụ kép của ngành “kinh tế xanh” Hà Nội lúc này là phòng, chống dịch và duy trì các hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách cũng như xây dựng các sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn, góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn ngay trong giai đoạn này và cả sau khi hết dịch”, ông Hải nói.

Du khách tham quan, mua sắm tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Hồ Hạ).

Cũng theo người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô, kinh nghiệm từ dịch SARS cho thấy, du khách nội địa có khả năng khôi phục sau 2 tháng, thị trường quốc tế sau khoảng 6 tháng, nếu chúng ta triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng bộ ngay từ bây giờ. Hà Nội hiện có 1.270 làng nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm. Trong đó, có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, chạm bạc Định Công, khảm trai Chuôn Ngọ, đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng…

Thực tế, nhiều làng nghề của Thủ đô rất nhạy bén với thị trường du lịch. Đơn cử, người làng Bát Tràng biết đưa xe trâu chở khách thăm các lò gốm, cho du khách tham gia vào một số công đoạn làm gốm, làm cỗ phục vụ du khách, chợ gốm sứ đa dạng mẫu mã, chủng loại kích thích chi tiêu… Việc được tự nặn, tự vẽ, tự sáng tạo ra sản phẩm gốm theo ý thích và nhìn thấy sản phẩm hoàn chỉnh của mình từ lò ra khiến khách đặc biệt thích thú và cảm thấy thỏa mãn với chuyến đi.

“Lâu nay, các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng của Thủ đô. Du lịch làng nghề không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế, văn hóa mà còn góp phần bảo tồn, phát huy, làm rạng rỡ thêm những tinh hoa của đất kinh kỳ “ngàn năm văn hiến””, ông Hải khẳng định và cho biết: “Việc phát triển du lịch làng nghề cũng là hướng đi ngành du lịch Thủ đô hướng tới trong thời điểm này để khôi phục thị trường nội địa trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.

Bởi thế, đầu tuần này, Sở Du lịch Hà Nội đã ra mắt ứng dụng chuyên biệt giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng công nghệ 3D kết nối với cổng thông tin chính thức của Sở. Ứng dụng được kỳ vọng sẽ là kênh quảng bá sản phẩm tới đa dạng các thị trường cho hơn 300 làng nghề địa phương. Qua đó, níu chân và khiến du khách và “móc hầu bao” nhiều hơn. Bởi, theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 100% khách du lịch quốc tế tiếp cận thông tin về du lịch Thủ đô thông qua internet, trong khi tỷ lệ này ở khách nội địa gần 70%.

Ứng dụng được phát triển trên nền tảng điện thoại thông minh, cho phép người dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận mọi loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô, từ chuồn chuồn tre Thạch Xã, tượng gỗ điêu khắc Dư Dụ, đến bánh tẻ Phú Nhi. Người dùng thậm chí còn có thể tùy ý di chuyển các mẫu vật vào không gian thực như đặt bức tượng lên bàn, ướm thử vòng tay, hoa tai,… để xem xét độ phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt, đi kèm với mỗi sản phẩm là câu chuyện về nghệ nhân, làng nghề, chuyển tải tới đông đảo du khách tinh hoa của “mảnh đất trăm nghề”.

“Lãng quên” thị trường xuất khẩu tại chỗ

Nhưng, bấy nhiêu đó là chưa đủ. Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unessco Hà Nội cho rằng, yếu tố cốt lõi đảm bảo “sức khỏe” cho du lịch làng nghề Hà Nội tăng tốc ngay khi hết dịch Covid-19 chính là chất lượng và nét đặc sắc của mỗi mặt hàng. Điều đó đòi hỏi các nghệ nhân và thương nhân Việt phải thay đổi tư duy.

“Nhiều làng nghề lâu nay trở thành nơi gia công hàng hóa cho thương nhân Trung Quốc, khiến thị trường bị phụ thuộc, sự sáng tạo bị “ăn mòn” trên từng sản phẩm. Trong khi, chúng ta đang bỏ quên thị trường xuất khẩu lớn ngay trên“sân nhà”, đó là 18 triệu lượt khách quốc tế du lịch Việt Nam năm 2019”, ông Hùng phân tích và nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 là cơ hội để các làng nghề không còn phụ thuộc vào sự điều phối của thương nhân Trung Quốc. Giá trị kinh tế từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ dần được nâng cao, tạo động lực duy trì và phát triển du lịch làng nghề truyền thống”.

Ông Hải cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế. Để chuẩn bị phục vụ lượng khách quốc tế đến Hà Nội thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm lưu niệm, quà tặng, các làng nghề cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng sản xuất và mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đồng thời, đưa khoa học, công nghệ vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn tới du khách trong và ngoài nước.

“Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường tổ chức các chương trình khảo sát, làm cầu nối cho các làng nghề với lữ hành để xây dựng thêm nhiều sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Từ đó, chuẩn bị “sức khỏe” tốt nhất cho du lịch làng nghề Hà Nội “tăng tốc” ngay khi hết dịch Covid-19”, ông Hải nhấn mạnh.