.
GS.TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị.

Chiều ngày 20/2, Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng này, Dự thảo chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương.

Theo đó, cơ chế này bao gồm cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực, nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,… trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội (kiểm soát trước quá trình xây dựng và hình thành chính sách pháp luật về đất đai).

Đồng thời, sau khi chính sách pháp luật được hình thành thì giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật trong thực tế.

Mặc dầu, Dự thảo đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai, ông Đường nhìn nhận.

Ông Đường nêu rõ, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai – từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai… đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như Dự thảo mà nên quy định trong tất cả các chương. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch đất (điểm b khoản 2 Điều 20); tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất (điểm c khoản 2 Điều 20) mà còn phải thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát xã hội đối với việc thực hiện các công việc này.

Vấn đề tiếp theo được ông Đường đề cập là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai.

Theo ông Đường, Chương XV của Dự thảo không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, mà nên đưa nội dung này vào các chương, trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương. Trong đó, quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào; cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì…

Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân có thể khởi kiện do trái với Luật đất đai và các luật có liên quan về đất đai.

Ngoài kiểm soát quyền lực, một vấn đề khác trong Dự thảo khiến ông Đường băn khoăn là vấn để ủy quyền lập pháp.

Đành rằng, ủy quyền lập pháp là vấn đề không thể tránh khỏi, song ông Đường phát biểu, khi Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ ngành, hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong các điều luật phải hết sức cần nhắc để không “dễ dãi” nhường quyền của mình cho các cơ quan khác dẫn đến luật khung luật ống, luật không được người dân tôn trọng mà chỉ quan tâm đến văn bản dưới luật.

“Đọc Dự thảo, tôi đếm được 54 điều luật có ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và các bộ. Điều đáng lưu ý là trong Dự thảo đã ủy quyền cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết toàn bộ một điều luật, thậm chí là giao Chính phủ quy định cả những điều hạn chế quyền con người, quyền công dân mà Điều 14 Hiến pháp bắt buộc phải quy định bằng luật (ví dụ, khoản 5 Điều 66). Vì vậy, tôi đề nghị phải khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp quá nhiều trong một đạo luật. Việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc nhiều lắm là một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi và nội dung ủy quyền, không nên viết Chính phủ hay bộ quy định chi tiết khoản này như dự án luật lâu nay, dẫn đến văn bản quy định chi tiết trái với luật”, ông Đường góp ý.

Theo kế hoạch, chiều 21/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên, một số tổ chức xã hội khác, một số chuyên gia nhà khoa học và các cơ quan tổ chức có liên quan vào Dự thảo.