Đây là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia kinh tế đang rất quan tâm, bởi gần 1 năm đã qua kể từ khi thị trường xăng dầu “có chuyện”, nhưng giải pháp dường như vẫn quanh quẩn với các đợt kiểm tra, thanh tra; những văn bản qua lại giữa các bộ, ngành có liên quan, các đề xuất, kiến nghị, thậm chí là kêu cứu từ doanh nghiệp và những quyết định xử phạt.

Đáng nói nhất là không ít doanh nghiệp trong ngành, nhất là các đại lý bán lẻ xăng dầu, dường như đã không còn đủ sức, kể cả nguồn lực và cả động lực, để duy trì hoạt động.

Thực tế cho thấy, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức cho các thương nhân đầu mối từ năm 2014 tới nay hầu như vẫn giữ nguyên.

Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện tại, mức chiết khấu áp đặt cho các đại lý bán lẻ không chỉ thấp, mà nhiều khi đã về 0% do các đầu mối nhập khẩu cũng chịu lỗ lớn, kéo dài. Riêng quý III/2022, theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chịu lỗ 650 đồng mỗi lít xăng.

Trong tuần này, nhiều cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng… lại treo biển tạm đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đầu mối không nhập đủ hàng như phân giao, chấp nhận có thể bị xử phạt.

Trong bối cảnh đó, cho dù các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra có cứng rắn đến mấy, thì cũng vẫn thất bại.

Phải trở lại quyết định xử phạt công bố vào ngày 31/8//2022 được cho là nặng nhất đối với hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương. Đó là tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối trong vòng 1 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc 5 doanh nghiệp đầu mối đó sẽ bị tước cả 19 quyền lợi và quyền hạn, kể cả nhập khẩu xăng dầu, không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên, quyết định xử phạt trên lại được Bộ Công thương tạm dừng sau đó vài ngày, vào ngày 5/9, đợi thời gian thích hợp do bình quân mỗi tháng, 5 doanh nghiệp này cung ứng cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại, chiếm khoảng 10%  nhu cầu thị trường nội địa…

Đang xuất hiện nhiều lo ngại sau các quyết định trên, trong đó có cả cảm giác “bị đối xử không công bằng” từ 7 doanh nghiệp đã phải nhận và hoàn tất hình phạt nặng tương tự là  tước giấy phép hồi tháng 7/2022 (cũng trong đợt thanh tra 33 đầu mối xăng đầu mà Bộ Công thương công bố từ tháng 2/2022) và cả những câu hỏi rằng, cách xử lý như vậy có phù hợp không?…

Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan hải quan cũng đang đối mặt với những hệ lụy.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng nhắc lại yêu cầu đã gửi Bộ Công thương về việc xác nhận lại bằng văn bản với cơ quan hải quan tình trạng của 5 thương nhân đầu mối trên để có căn cứ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp này. Lý do là, theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trong thời gian bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu xăng dầu; nếu vẫn thực hiện, thì sẽ bị xử phạt…

Thị trường không thể vận hành thông suốt bởi sự không rõ ràng này. An ninh năng lượng quốc gia cũng không thể đảm bảo nếu những ách tắc đó không được tháo gỡ ngay.

Phải thấy rõ, thị trường xăng dầu toàn cầu đang vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch, giá cả lên xuống hàng ngày. Nếu thiếu nguồn cung, giá sẽ tăng và ngược lại. Thị trường xăng dầu của Việt Nam không thể đứng ngoài nguyên tắc đó và “bàn tay của Nhà nước” sẽ là thuế, phí, là dự trữ quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng.

Song trước mắt, doanh nghiệp cần được giải tỏa áp lực từ các biện pháp hành chính, từ sự can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh như việc lựa chọn đầu mối cung cấp xăng dầu, các chi phí thực hiện hợp đồng… Đặc biệt, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giá trần để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt theo kịp biến động của thị trường thay vì cơ chế quyết định giá bán của liên bộ Công thương – Tài chính như hiện tại…

Lúc này, thị trường xăng dầu rất cần sự thông suốt từ cơ chế, chính sách, đến tư duy quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.