Giá USD ngân hàng và tự do cùng tăng sau động thái quyết liệt của FED

Ngày 22-9, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên 23.316 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD so với hôm qua. Khoảng 1 tuần qua, tỉ giá trung tâm đã tăng thêm 89 đồng/USD.

Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng đi lên. Vietcombank giao dịch giá USD mua vào 23.560 đồng/USD, bán ra 23.840 đồng/USD – tăng 30 đồng so với hôm qua.

Sacombank cũng điều chỉnh giá USD mua vào 23.580 đồng/USD, bán ra 23.820 đồng/USD, trong khi giá USD bán ra bằng tiền mặt tiến sát vùng 24.000 đồng/USD, ở mức 23.960 đồng/USD.

Trong buổi sáng, các ngân hàng cũng liên tục thay đổi biểu giá niêm yết ngoại tệ.

Giá USD ngân hàng và tự do cùng tăng sau động thái quyết liệt của FED - Ảnh 1.

Giá USD ngân hàng và tự do hiện chênh lệch không nhiều

Trên thị trường tự do, đồng USD cũng nhích lên. Hiện các điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM báo giá USD thu vào 24.010 đồng/USD và bán ra 24.180 đồng/USD – tăng 10 đồng mỗi USD so với hôm qua. Như vậy, giá USD trên thị trường tự do tăng nhưng mức độ tăng thấp hơn giá USD trong ngân hàng. Nguyên nhân là do nhu cầu bán USD của người dân cao hơn mua vào.

Diễn biến này giúp chênh lệch giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do thu hẹp xuống, hiện chỉ còn khoảng 340 đồng/USD.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD tiếp tục đi lên sau khi FED công bố tăng thêm lãi suất 0,75 điểm %, nâng lãi suất cơ bản lên 3% – 3,25%, đánh dấu lần thứ 5 tổ chức này tăng lãi suất trong năm 2022. Đây là mức lãi suất cao nhất của Mỹ kể từ năm 2008 đến nay. Chỉ số đồng USD tăng vọt lên mức 111,78.

Diễn biến mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế và việc FED liên tục điều chỉnh tăng lãi suất từ đầu năm đến nay đã gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng năm 2022, sức ép lên tỉ giá vẫn còn nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED chậm lại. Về cuối năm, nguồn cung ngoại tệ được kỳ vọng sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối…

Trước đó, tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng phải rất cảnh giác với tỉ giá hối đoái, khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể. Vấn đề đặt ra là thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá hối đoái.


Thái Phương. Ảnh: Bình An