.
Các doanh nghiệp mong có những đường dây nóng để giải quyết vướng mắc, tiếp nhận ý kiến phản ánh về những hành vi tiêu cực, làm khó doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng đang mong có những đường dây nóng để hỗ trợ, giải đáp kiến nghị, vướng mắc, tiếp nhận ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nhân, người dân về những hành vi tiêu cực, làm khó doanh nghiệp.

Mục tiêu rất rõ. Đó là doanh nghiệp muốn có cơ chế đủ thẩm quyền để giám sát, kiểm tra, thúc đẩy thực hiện hiệu quả và ngay lập tức những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã, đang đưa ra.

Nhưng phải thẳng thắn rằng, ẩn trong những đề xuất, mong muốn này là không ít tâm tư, khó khăn không dễ chia sẻ từ doanh nghiệp, doanh nhân.

Trong nhiều cuộc đối thoại, tọa đàm lấy ý kiến cho các kiến nghị của doanh nghiệp gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 diễn ra cuối tuần qua, rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ các rào cản đang làm khó các dự án, kế hoạch kinh doanh của họ. Đó là  thủ tục hành chính vô lý, sự chồng chéo trong quy định pháp luật, cách ứng xử thiếu đồng cảm, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, công chức nhà nước, chính quyền địa phương…

Nhiều doanh nghiệp kể, họ đã gửi kiến nghị đi nhiều cơ quan, nhiều lần, nhưng lần nào cũng nhận được những văn bản trả lời theo kiểu trích dẫn các quy định pháp lý hiện hành, không có giải pháp cụ thể được đưa ra…

Nghĩa là, tiền của, công sức và cả niềm tin kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang phải nằm chờ cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, cho phép để được thực hiện, mà không có hạn định nào về thời gian…

Tất cả những khó khăn này ẩn khuất trong hơn 100 kiến nghị mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp từ các hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Những khó khăn đó cũng ẩn trong tỷ lệ chỉ khoảng 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyên do chính là vì thủ tục rườm rà, cách áp dụng cứng nhắc và cả các đề xuất chưa thực tế, không cập nhật đẩy đủ đối tượng thực hiện từ các bộ, ngành, địa phương…

Song, rất hiếm có vụ việc, tên tuổi doanh nghiệp cụ thể nào được nhắc đến. Các doanh nghiệp yêu cầu không “lộ tên tuổi”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đề nghị báo chí không trích dẫn, không đăng tải thông tin khi biết có nhà báo tham gia các cuộc đối thoại, trao đổi trên… cho dù những vấn đề họ đối mặt không hề mới, nhiều khi đã được nhắc đến nhiều năm nay. Nhưng doanh nghiệp ngại bị bộ, ngành, địa phương để ý, làm khó hơn nữa…

Thực ra, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong tiếp cận cơ chế, chính sách của doanh nghiệp là câu chuyện hàng ngày của doanh nghiệp, tương tự những khó khăn từ thương trường. Nhưng trong khó khăn do cơ chế, chính sách, doanh nghiệp thường đứng ở phía bị động trong việc tìm giải pháp giải quyết. Chính vì vậy, chi phí bỏ ra, gồm cả chi phí bằng tiền, thời gian và các nguồn lực khác – thường được gọi là chi phí tuân thủ các quy định, luôn lớn và khó kiểm soát.

Đó là trong giai đoạn kinh tế hoạt động bình thường.

Trong bối cảnh cả nền kinh tế, hoạt động doanh nghiệp bị xáo trộn bởi những tác động vô tiền khoáng hậu của đại dịch Covid -19, thì chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra do cơ chế, chính sách không phù hợp, do thủ tục hành chính rườm ra, do sự nhũng nhiễu của cơ chế xin-cho, do sự trì trệ trong bộ máy quản lý nhà nước… có thể là cả sự sống còn của một doanh nghiệp, một sự nghiệp kinh doanh…

Tất nhiên, thành lập đường dây nóng hay ban chỉ đạo giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp chỉ là giải pháp tình thế để gỡ nhanh những vấn đề của doanh nghiệp. Song, đây cũng là cách loại bỏ dần “virus trì trệ” mà Thủ tướng Chính phủ cho là đang có mặt ở khắp nơi, trong cả bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp…

Khi doanh nghiệp vận hành thông suốt, dám lên tiếng phản ánh trực tiếp những khó khăn, vướng mắc, thì đương nhiên, nền kinh tế cũng sẽ sớm năng động trở lại, có thể tận dụng được những cơ hội vàng sau Covid- 19.