Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, Thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa hướng dẫn yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020.

Nghị định 10 định danh các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar, FastGo bằng tên gọi “Xe hợp đồng điện tử”. Loại xe này không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” trên kính.

Dừng thí điểm taxi công nghệ dưới 9 chỗ: Grab, Be, FastGo… lâm nguy?

Trong khi đó, xe taxi không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “TAXI” trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6×20 cm.

Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán phù hiệu cố định trên xe ô tô. Cụ thể, xe hợp đồng dạng này phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe). Các xe GrabCar hiện tại hoạt động hợp pháp phải có 3 tem này.

Thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe tải, các đơn vị phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.Năm 2016, quyết định 24 được ban hành nhằm cho phép Grab và các ứng dụng gọi xe 4 bánh hoạt động thí điểm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh..

Việc Đề án thí điểm 24 được Bộ GTVT triển khai năm 2016 được xem là quyết định ‘mở đường’ cho các hãng taxi công nghệ (Grab, Uber,…) vào hoạt động tại Việt Nam và tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường vận tải.Đề án sẽ chính thức dừng vào ngày 1/4 tới sau hơn 4 năm thực hiện.

Như vậy, hầu hết các xe GrabCar hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới.

Trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của Grab hay một số ứng dụng gọi xe khác, chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô chịu các quy định của Nghị định 10. Dịch vụ GrabBike hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay các doanh nghiệp như Grab, Be, FastGo (nhà xe Phương Trang) đang hoạt động thí điểm taxi công nghệ dưới 9 chỗ. Dừng đề án thí điểm taxi công nghệ dưới 9 chỗ là là “đòn đánh” mạnh mẽ vào các “ông lớn” này. Nhiều tài xế của các hãng này sẽ khó khăn.

Theo Tài chính Doanh nghiệp