DU LỊCH RỘNG CỬA VẪN VẮNG KHÁCH QUỐC TẾ (*): Đồng bộ các giải pháp để thu hút khách

Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: 

Du lịch – hàng không phải phối hợp chặt chẽ

Ngành du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng trong năm 2023.

DU LỊCH RỘNG CỬA VẪN VẮNG KHÁCH QUỐC TẾ (*): Đồng bộ các giải pháp để thu hút khách - Ảnh 1.

Du khách quốc tế tham quan Bưu điện TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể, hàng không và du lịch sẽ tiếp tục “bắt tay” để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển như du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…

Bên cạnh đó, để đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại, cần tập trung triển khai thật tốt chiến dịch xúc tiến, quảng bá “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam), tổ chức các đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu) cho doanh nghiệp (DN) và báo chí, tham gia các hội chợ du lịch và tổ chức các chương trình kích cầu.

Đặc biệt, vấn đề quá tải hạ tầng sân bay cần phải được nghiêm túc nghiên cứu, tháo gỡ sớm, nếu không đây sẽ là một rào cản rất lớn khi ngành du lịch phục hồi.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dịch vụ và điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải khách du lịch. Đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống kết cấu hạ tầng có liên quan. Ngành du lịch và hàng không tăng cường phát triển đội ngũ nhân lực và có các chính sách thu hút người lao động quay trở lại ngành.

Bà ĐẶNG HƯƠNG GIANG, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: 

Bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đạt khoảng 22 triệu lượt khách, trong đó đón 3 triệu lượt khách quốc tế, 19 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này, Hà Nội đưa ra hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm; phối hợp với các DN lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo… Thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp hội nghị (MICE) tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.

Để thu hút khách quốc tế, Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của thủ đô trên các kênh truyền thông để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.

Tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ…

Liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách quốc tế, tạo hình ảnh đẹp trong mắt khách du lịch cũng như xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, ngành du lịch Hà Nội sẽ chủ động, phối hợp kịp thời với các ngành, các địa phương có các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, như chèo kéo, bắt chẹt, ép giá, lừa đảo đối với khách du lịch… cũng như tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của khách du lịch.

Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: 

3 nhóm giải pháp thu hút khách

Trong năm 2023, để tăng tốc phục hồi ngành du lịch, TP HCM sẽ chú trọng tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, tạo ra các chương trình thúc đẩy DN và cơ quan, đơn vị, sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn cùng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong đó, sở sẽ tập trung vào du lịch đường sông, du lịch gắn với kinh tế đêm, tổ chức các sự kiện – lễ hội mang tầm vóc quốc tế trở thành những sản phẩm thu hút khách quốc tế, tăng chi tiêu, độ dài lưu trú cho khách.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đột phá trong công tác xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước để nhiều du khách biết và mong muốn đến tham quan, khám phá TP HCM. Ngành du lịch thành phố sẽ tiếp cận với các tùy viên văn hóa, phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, các kênh truyền hình quốc tế, các nền tảng trực tuyến để biến dữ liệu tìm kiếm về du lịch Việt Nam thành dữ liệu khách hàng thực tế đi du lịch.

Thứ ba, sở sẽ tham mưu để TP HCM chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành để đáp ứng các nhu cầu phục hồi, tăng tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh với các thị trường trong thời gian tới. Bằng những giải pháp trọng tâm trên, ngành du lịch TP HCM năm 2023 kỳ vọng thu hút 40 triệu lượt khách, trong đó 5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch phấn đấu đạt hơn 150.000 tỉ đồng.

Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt: 

Tận dụng “sóng” khách Việt kiều

Những ngày cuối năm, Việt kiều có nhu cầu về quê thăm gia đình, ăn Tết rất lớn sau mấy năm dịch COVID-19. Đây là nguồn khách lớn và cơ hội cho ngành du lịch nếu khai tốt nguồn khách này. Đối với khách du lịch quốc tế, để thu hút cần nhất là chính sách visa thông thoáng. Đồng nghiệp của tôi ở Mỹ cho biết khách của họ vẫn than phiền việc xin visa của Việt Nam quá khó khăn, thủ tục và thời gian chờ đợi lâu. Khi thấy phiền vì visa, họ sẽ chuyển hướng chọn điểm đến khác thay vì tới Việt Nam. Do đó, visa phải giải quyết đầu tiên.

Về sản phẩm du lịch, ngành du lịch đã chuẩn bị đón khách từ nhiều tháng qua nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều nhà hàng tiêu chuẩn 4-5 sao chưa mở cửa; nhiều resort, khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao ở nhiều điểm đến cũng chưa hoạt động trở lại vì khách quốc tế đến chưa nhiều. Từ đó không ít đoàn khách tới Việt Nam thời gian qua không có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ du lịch từ nhà hàng, khách sạn, resort… Nguồn nhân lực là một trong những điểm yếu cần phải sớm khắc phục để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế thật tốt. Nếu thiếu nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng. Cần chính sách hỗ trợ để các DN trong ngành phục hồi nhanh chóng.

Ông NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel: 

Xây dựng hình ảnh du lịch đẹp

Các DN du lịch lữ hành tại Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng từ 6-8 tháng trước, giờ chỉ cần chính sách visa thông thoáng, nhập cảnh thuận lợi để du khách vào thì chúng tôi có thể phát triển lượng khách gấp nhiều lần. DN du lịch cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sự bùng nổ và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai khi Việt Nam thật sự mở cửa du lịch quốc tế.

Lúc này, khâu kiểm soát chất lượng, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là yếu tố quan trọng nhất. Vì một khi hình ảnh được xây dựng tốt thì du khách sẽ giới thiệu bạn bè và quay trở lại nhiều lần nữa. Những yếu tố quyết định đến góc nhìn, cách đánh giá của du khách về Việt Nam đó chính là thái độ ứng xử, cung cách phục vụ, văn hóa của người Việt Nam khi tương tác với du khách nước ngoài.

Để kéo khách quốc tế từ các thị trường tới Việt Nam, theo tôi cần những giải pháp về chính sách miễn visa; thông thoáng thủ tục hải quan, nhập cảnh; truyền thông marketing tại các hội chợ quốc tế; tổ chức trải nghiệm thực tế dành cho các đoàn khách nước ngoài tại Việt Nam… Đồng thời thúc đẩy hàng không giữa các quốc gia với Việt Nam; xây dựng bộ khung năng lực toàn diện cho các công ty đón khách quốc tế (inbound). Trong khâu quảng bá, cần thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu tại nước ngoài dành cho các công ty inbound tại Việt Nam đi kết nối, hợp tác tại những thị trường tiềm năng. Tự làm mới ngành du lịch qua việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến bộ nhận diện thương hiệu, logo du lịch Việt Nam… 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12

Hướng đến nguồn khách Trung Quốc cao cấp

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đánh giá Trung Quốc là thị trường khách truyền thống, trọng điểm đối với du lịch Việt Nam và TP HCM. Thời gian qua, ngành du lịch thành phố có định hướng cơ cấu lại thị trường du lịch, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn là trọng điểm nhưng phân khúc khách được tập trung đẩy mạnh là khách trung – cao cấp, khách du lịch MICE.

Do đó, TP HCM sẽ đẩy mạnh xúc tiến ở những điểm đến TPO (mạng lưới các thành phố du lịch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương) như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến… để góp phần phục hồi trong thời gian tới. Các sản phẩm du lịch với nhóm khách này cũng sẽ được xây dựng theo hướng gắn liền với cộng đồng người Hoa, sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm, mua sắm… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách.


THÁI PHƯƠNG – YẾN ANH – HẢI ĐỊNH ghi