.
.

Trong phiên họp sáng 12/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành trình Quốc hội xem xét Dự án Luật Chuyển đổi giới tính đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), người có nhiều năm công tác trong ngành y.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hồi tháng 4/2023, ông đã xác định lại phạm vi điều chỉnh của đề nghị xây dựng Luật là triển khai, thực hiện quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự về “Chuyển đổi giới tính”, trong đó đối tượng điều chỉnh là người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại.

Do đó cần thiết phải điều chỉnh tên gọi để phản ánh chính xác phạm vi, bản chất của đề nghị xây dựng Luật và đề xuất tên gọi mới là Luật Chuyển đổi giới tính..

Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, hồ sơ đề nghị xây dựng luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính từ hai lần (trong đề nghị trước đó) xuống chỉ còn một lần trong cuộc đời.

“Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành”, ông Trí giải thích.

Vẫn theo đại biểu Trí, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Dự thảo đồng thời quy định việc cơ sở khám chữa bệnh thành lập hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Trong đó, cơ sở này có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân.

Trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Hồng Nguyên đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Đồng thời, đại biểu cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Về quy định công nhận giới tính mới áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật, Ủy ban Pháp luật cho rằng ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hoóc-môn hoặc có mức độ can thiệp y học khác.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị đại biểu nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam chưa có chính sách cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện chuyển đổi giới tính.

Vì vậy theo Ủy ban Pháp luật, việc đề xuất giải pháp công nhận kết quả đã thực hiện chuyển đổi giới tính của các cơ sở này cần được làm rõ, quy định phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng và trình ban hành luật này.

“Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính này là cần thiết, để góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, quyền của con người và ghi nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2015, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm người đồng tính, song tính, chuyển giới, đặc biệt là người chuyển đổi giới tính”, bà Oanh nói.

Phiên thảo luận vẫn ghi nhận một số băn khoăn về thế nào là chuyển đổi giới tính và một số quy định cụ thể khác, tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trì trình Quốc hội xem xét đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị với những ý kiến và nội dung còn băn khoăn ví dụ như định nghĩa về chuyển đổi giới tính,… yêu cầu đại biểu tiếp tục làm rõ trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo luật và các cơ quan có liên quan phải đặc biệt phối hợp.

Theo ông Định, nếu Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Quốc hội có thể trình dự thảo luật ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).