Ngày 27/2, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ông Nguyễn Hồng Lĩnh, đã làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về tiến độ lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng sẽ được ưu tiên đầu tư

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai tiếp tục đầu tư hạ tầng liên kết vùng. Trong ảnh là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành- Dầu Giây. Ảnh: Anh Quân

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tiến độ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ 2021-2030 của tỉnh hiện đang chậm tiến độ khoảng 2 tháng.

Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ do từ tháng 1/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi nội dung báo cáo giữa kỳ để lấy ý kiến của 35 đơn vị, tổ quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 25 đơn vị, tổ quy hoạch có văn bản góp ý và đề xuất ý tưởng quy hoạch.

Trước sự chậm trễ này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đã có báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được đồng ý giãn thời điểm trình thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Nai thêm 6 tháng (tháng 9/2023 sẽ trình).

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu dù tiến độ lập quy hoạch đã chậm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công tác lập quy hoạch, phải lấy chất lượng làm trọng tâm.

Để chuẩn bị hoàn thiện báo cáo giữa kỳ phải tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến các cơ quan chuyên môn, chuyên gia. Sau khi tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy hoạch thì báo cáo Ban chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy thông qua trước khi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trung ương.

Sau đó sẽ hoàn thiện báo cáo cuối kỳ trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp tháng 6/2023, trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 6/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với Công ty Roland Berger (Đức). Dự kiến, quy hoạch này sẽ được hoàn thiện trong vòng 7 tháng để công bố xin ý kiến rộng rãi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo cáo quy hoạch đầu kỳ, đơn vị tư vấn đề xuất Đồng Nai định vị các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế thông qua 4 giá trị gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Về định hướng phát triển đô thị, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển hệ thống đô thị của Đồng Nai đi theo mô hình tứ giác đô thị động lực với Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh và Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu) là các cực phát triển, lấy Long Thành làm hạt nhân trung tâm. Cấu trúc không gian lãnh thổ của Đồng Nai có thể chia làm 3 tiểu vùng dựa trên ranh giới hành chính các huyện hiện nay.

Về hạ tầng, đơn vị tư vấn đề xuất cần ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm, mang tính kết nối vùng. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là công trình trọng điểm của Vùng.