Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Mỹ An)

Nên tính đến tình huống xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm ứng phó với dịch COVID-19.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân” là rất hay, nhưng cần có giải pháp cụ thể hơn để nền kinh tế chống chịu được với cú sốc từ bên ngoài.

Thưa ông, nhiều chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, ông có đồng tình?

Dịch COVID – 19 tác động nghiêm trọng lên toàn cầu, tất nhiên sẽ ảnh hưởng cực lớn đến Việt Nam vì nền kinh tế của Việt Nam rất mở.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống dịch của Việt Nam rất tốt, nhưng trên thế giới, dịch lại lan rộng mà chưa thấy khả năng kiềm chế hữu hiệu, nếu dịch càng kéo càng dài thì hệ luỵ càng lớn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có động thái quyết liệt hơn, một số nước khác đã có động thái mà ta cứ đứng im thì sẽ chậm. Gần đây, Trung Quốc đã đưa ra gói kích cầu rất lớn, Mỹ cũng giảm lãi suất, cũng là động thái kích cầu.

Với Việt Nam, Chính phủ chuẩn bị ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, đó cũng là động thái tích cực. Nhưng, theo tôi, cần đánh giá tổng quát những tác động thực sự của dịch bệnh đối với nền kinh tế, cần thêm kịch bản ứng phó để đưa ra giải pháp kịp thời.

Vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán  rằng trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo là 6,25%, nếu dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96% và chuẩn bị những kịch bản khác nhau để ứng phó. Theo ông, vẫn cần có thêm các kịch bản khác nữa?

Tôi biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có tính toán, nhưng đó là trong trường hợp khống chế được dịch, thế còn nếu đến tháng 6/2020 mà thế giới vẫn không khống chế được dịch thì sao? Tôi nhấn mạnh là diễn biến dịch bệnh trên toàn thế giới rất quan trọng, vì nền kinh tế Việt Nam rất mở. Do đó, cần phải có thêm kịch bản, lường trước tình huống xấu nhất để lo xa, để đưa ra giải pháp tốt nhất.

 Được biết, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, bên cạnh thông tin từ báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, Ủy ban Kinh tế – cơ quan chủ trì thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội – đều có các khảo sát độc lập, tham vấn ý kiến chuyên gia về những vấn đề cần quan tâm giữa hai kỳ họp. Vậy trong bối cảnh hiện nay thì các thành viên Ủy ban, như ông, chắc đã có nhận định, đánh giá của riêng mình về tác động của dịch COVID-19?

Muốn đánh giá được phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ, mà hiện tại, Quốc hội thì không có cơ quan làm việc này. Hiện nay, mọi con số vẫn chỉ dựa vào Tổng cục Thống kê.

Việc đánh giá và ứng phó, như tôi biết, Chính phủ đã và đang làm rồi, nhưng cần làm nhanh hơn và đưa ra nhiều kịch bản hơn.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa có dự định điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế của năm nay. Vậy với những thông tin có được, ông dự báo khả năng hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao năm nay có cao không?  

Tôi cho là rất khó khăn, kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng như thế, nền kinh tế của Việt Nam không thể ngoại lệ. Kim ngạch xuất nhập, khẩu  của Việt Nam với Trung Quốc rất lớn, rồi các đối tác lớn khác như Hàn Quốc, cũng liêu xiêu vì dịch. Kinh tế của những nước đó suy giảm thì làm sao ta tăng được?

Việc có điều chỉnh chỉ tiêu hay không, theo tôi, chưa quan trọng bằng việc đánh giá sát thực tình hình, lường đến tình huống xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất chứ không thể chỉ dựa trên tình huống tốt để xây dựng kịch bản.

Chính phủ cũng đã tính đến phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí… để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nếu có những đề xuất cần sự quyết định của Quốc hội thì quan điểm của ông thế nào?

Kỳ họp khai mạc cuối tháng 5 tới chắc chắn Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo chính thức về những tác động của dịch COVID-19. Và những gì ngoài thẩm quyền Chính phủ, những chính sách cấp bách thì cần trình Quốc hội để quyết sớm mới có thể khắc phục rủi ro từ dịch bệnh. Bởi như tôi đã nói, đến thời điểm này, Việt Nam ngăn chặn được dịch COVID-19, nhưng thế giới thì khác.

 Xin cảm ơn ông!