Doanh nghiệp nỗ lực trở lại “đường đua” (*): Ngành gỗ chống đỡ khó khăn

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Năm ngoái, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,8 tỉ USD, tăng 2 tỉ USD so với năm trước. Riêng 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ vẫn đạt kim ngạch 2,6 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá nguyên liệu tăng nhanh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho biết thời điểm này, các DN gỗ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh dịch Covid-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động thì xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng cao đang khiến các DN chế biến gỗ xuất khẩu hết sức đau đầu.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, thông tin giá nguyên liệu gỗ trong năm ngoái đã tăng khoảng 20%. Từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng thêm 20%, như vậy chỉ hơn 1 năm mà giá nguyên liệu gỗ đã tăng 40% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Doanh nghiệp nỗ lực trở lại đường đua (*): Ngành gỗ chống đỡ khó khăn - Ảnh 1.

Giá gỗ nguyên liệu tăng từng ngày và nguồn cung thiếu hụt đang khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đau đầu. Ảnh: GIA HƯNG

Riêng thị trường Nga năm 2021, các DN trong nước nhập khẩu khoảng 55 triệu USD nguyên liệu gỗ. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tuy gỗ nhập khẩu từ Nga không lớn nhưng đây là nguồn nguyên liệu khá quan trọng đối với DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, như gỗ bạch dương, gỗ xoài, gỗ ván ép, gỗ bốc lạng mỏng, gỗ thông… Ngoài ra, các DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu gỗ cứng như gỗ xoài từ Ukraine. Cả 2 thị trường này bị “tắc” nên ảnh hưởng không nhỏ đến DN trong nước.

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Để không bị thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu, các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm kiếm từ nhiều thị trường khác. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, DN có thể tìm nguồn từ các thị trường Đông Âu khác hoặc khu vực lân cận nhưng phải chấp nhận giá cao. Các DN cũng có thể nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, châu Âu để thay thế lượng thiếu hụt trên, song phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, năm ngoái, phí vận chuyển gỗ từ Mỹ về Việt Nam khoảng 3.000 – 4.000 USD/container thì nay tăng lên 18.000 – 20.000 USD/container.

Ngoài ra, Úc, New Zealand, Brazil, Chile… cũng là những thị trường khả thi giúp DN mua nguyên liệu gỗ thay thế với mức giá tốt hơn. “Để ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao, công ty đã đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc một thị trường cụ thể. Chúng tôi cũng có kế hoạch dự trữ nguyên liệu dài hơi để tránh rủi ro và đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để kịp thời ứng phó” – bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, nói về giải pháp của DN ở thời điểm hiện tại.

Theo các DN gỗ, dù khó khăn về nguyên liệu đầu vào nhưng ngành gỗ xuất khẩu vẫn còn nhiều triển vọng tích cực, bởi khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nhiều khu vực sản xuất trên thế giới bị ngưng trệ, khách hàng tìm đến DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam nhiều hơn vì chuỗi cung ứng của ngành gỗ trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.

“Phần lớn DN đều có đơn hàng xuất khẩu cho đến giữa năm nay. Các nhà chế biến gỗ của châu Âu đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ Nga, dẫn đến cạnh tranh giảm sút đáng kể. Đây còn là cơ hội cho DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào thị trường này” – ông Ngô Sỹ Hoài cho biết.

Tuy nhiên, để DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hoạt động ổn định và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các DN rất cần sự hỗ trợ về chính sách kịp thời. Ông Huỳnh Quang Thanh cho hay thời gian qua, DN tốn rất nhiều chi phí để duy trì sản xuất, kể cả công nhân tạm nghỉ vì mắc Covid-19 cũng phải trả lương, trong khi chính sách về miễn giảm thuế thu nhập DN đối với ngành gỗ khó có DN nào đáp ứng được, như doanh thu phải thấp hơn 200 tỉ đồng hay doanh thu năm nay phải thấp hơn năm trước…

“Các DN gỗ có doanh thu rất lớn, mỗi năm đều phải đầu tư mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng nên doanh thu chỉ có tăng chứ không giảm. Tuy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận thì không bao nhiêu vì chi phí đầu tư mở rộng sản xuất rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị nhà nước cần có ưu đãi về tín dụng cho DN để có được lãi suất vay tốt nhất trong quá trình phục hồi” – ông Huỳnh Quang Thanh nêu ý kiến.

Chủ động phương án thanh toán, vận chuyển

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 3, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết xuất khẩu của Việt Nam đầu năm nay cho thấy sự phục hồi vững vàng. Trong tháng 2, xuất khẩu của cả nước tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, phản ánh các yếu tố bên ngoài Việt Nam đang tích cực.

Nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Gần đây, Tập đoàn Samsung tiếp tục đổ thêm 920 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện điện thoại ở Thái Nguyên.

Dù vậy, do tăng trưởng kinh tế của Mỹ, EU và Trung Quốc – những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – có thể bị ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine nên Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất cơ quan chức năng nên khuyến khích DN xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo.

Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 3, WB cho rằng DN có thể chuyển sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để tăng cường khả năng chống chịu của xuất khẩu. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước.

Để ứng phó với khủng hoảng từ xung đột Nga – Ukraine, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đề xuất các DN và hiệp hội cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua.

Đồng thời, phải đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Trên thế giới, DN Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã bắt đầu đi theo hướng này như việc vừa qua nhiều DN Nga đã chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ để tránh tác động và rủi ro.

“Các DN cần chủ động đàm phán với đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh. Các DN đang bị ách tắc hàng hóa ngoài biển có thể suy nghĩ thêm phương án đi đường vòng hay kênh thay thế nào khác nhằm giải tỏa ách tắc và tránh hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy hải sản” – TS Cấn Văn Lực gợi ý.

Ngoài ra, với các DN xuất khẩu, việc rà soát hợp đồng và hồ sơ pháp lý để bảo đảm chủ động nếu xảy ra tranh chấp là cần thiết thời điểm này, nhằm ứng phó với những tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

T.Phương

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-3


NGUYỄN HẢI