Doanh nghiệp gửi gắm nhiều kỳ vọng đến Thủ tướng

TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Hỗ trợ mạnh mẽ và triệt để hơn nữa

Theo tôi, Nghị định 41/2020/NĐ-CP chỉ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế TNCN và tiền thuê đất với thời gian tối đa 5 tháng là chưa đủ, nên kéo dài lên 12 tháng. Ngoài ra, xem xét việc giãn thời hạn nộp thuế xuất khẩu đến cuối năm 2020 để tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn, xem xét hoàn thuế GTGT cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như ngành hàng không, du lịch, vận tải…

Đối với DN đã có khoản đóng góp, ủng hộ Chính phủ trong các hoạt động chống dịch Covid-19, kiến nghị xem xét được hạch toán vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập DN, đồng thời các chi phí phát sinh trong phòng chống dịch cũng cần được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN.

Doanh nghiệp gửi gắm nhiều kỳ vọng đến Thủ tướng - Ảnh 1.

Sản xuất mì gói tại Công ty Vifon Ảnh: TẤN THẠNH

Về chính sách tín dụng, VCCI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin – cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách. Đề nghị NH thương mại giải quyết các ưu đãi một cách chủ động, chẳng hạn việc giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, giãn nợ hoàn toàn có thể thực hiện tự động khi xác định đối tượng rõ ràng, không nhất thiết phải chờ DN đề nghị. Các NH thương mại cũng cần chú ý hơn tới nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ là các đối tượng bị tổn thương nhiều bởi dịch bệnh, chứ không chỉ DN lớn, khách hàng thân thiết của mình.

Đề nghị NHNN có biện pháp mạnh hơn để khuyến khích NH thương mại thực hiện giảm sâu thêm từ 2%-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4%-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2%-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng… nhằm tạo điều kiện cho các NH thương mại có nguồn vốn rẻ hơn để cho DN vay, mở rộng các biện pháp bảo đảm cho vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng loại hình DN.

Bên cạnh đó, NHNN cần mạnh dạn và linh hoạt hơn trong điều chỉnh tỉ giá để giữ lợi thế xuất khẩu vì tất cả quốc gia khác đều đã điều chỉnh tỉ giá giảm sâu để hỗ trợ xuất khẩu.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM:

Bác sĩ cứ đòi giấy tờ thì bệnh nhân cấp cứu đã qua đời!

Qua hơn 3 tháng phòng chống dịch Covid-19 lẫn duy trì phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách hỗ trợ các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, cái mà DN, hộ kinh doanh… cần gấp là gói hỗ trợ được các bộ, ngành giải quyết nhanh. Bởi, lúc này DN như người đang cần cấp cứu, nếu “bác sĩ” cứ đòi hỏi cung cấp giấy tờ tùy thân mới cứu chữa thì lúc đó bệnh nhân đã qua đời.

Để sớm phục hồi kinh tế sau Covid -19, ngay tại thời điểm này, Chính phủ cần giảm thuế TNCN để kích cầu tiêu dùng; kéo dài thời gian gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41 đến hết năm 2020. Đồng thời, DN nào sản xuất các sản phẩm nguyên liệu thay thế cho hàng hóa nhập khẩu thì được miễn nhiều loại thuế.

Mặt khác, Chính phủ có thể đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, giảm – miễn phí tham quan các khu di tích hiện đang thu phí. Kích thích đầu tư bằng cách hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn để đổi mới máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ cao. Thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoặc NH Chính sách xã hội để bảo lãnh cho các khoản vay mới của DN có tiềm năng phát triển.

Ông TRẦN THẾ DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour:

Cần chính sách bảo lãnh tín dụng

Khó khăn nhất của các DN hiện nay là dòng tiền, thanh khoản nhưng lại không dễ tiếp cận vốn NH vì không có tài sản thế chấp. Với các DN lữ hành, điều này càng khó hơn vì phần lớn mặt bằng đi thuê. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN rất cần hỗ trợ, tiếp sức về vốn để duy trì hoạt động, chi trả lương cho cán bộ nhân viên. Bộ máy nhân sự phải ổn định DN mới có thể phục hồi sau dịch bệnh. Do đó, các DN lữ hành mong muốn nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có thể tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi, có thể thông qua bên thứ 3 là các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ.

Du lịch là ngành tổng hợp, để sớm phục hồi nhà nước cần chính sách kích cầu nội địa. DN kiến nghị được miễn, giảm 50% thuế GTGT để giảm giá thành tour nội địa, kích thích người dân đi du lịch nhiều hơn. Trong thời gian đầu khi ngành du lịch đang có tín hiệu hoạt động trở lại, nhà nước có thể nghiên cứu miễn, giảm giá vé các điểm tham quan du lịch để kích cầu nhiều hơn.

Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM:

Chính sách cần linh hoạt hơn

Thời gian qua, đơn hàng xuất khẩu giảm sút từ thị trường Mỹ, châu Âu nên nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ phải tạm dừng hoạt động. Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu đồ gỗ giảm khoảng 25% so với quý trước đó, riêng trong tháng 4, lượng đơn hàng giảm gần 50%.

Để vượt qua khó khăn, phục hồi sau dịch, các DN gỗ kiến nghị những chính sách hỗ trợ đã được nhà nước ban hành, cơ quan chức năng cần triển khai thông thoáng hơn để người lao động, DN và đối tượng thụ hưởng sớm tiếp cận được. Với những DN thua lỗ trong mùa dịch Covid-19, kiến nghị sớm miễn các loại thuế GTGT, thu nhập DN, tiền sử dụng đất. Thời gian tới, DN gỗ cũng cần nhà nước hỗ trợ về xúc tiến thương mại. Do đặc thù của DN sản xuất, xuất khẩu gỗ muốn sớm hồi phục cần sự phát triển của các ngành liên quan như bất động sản… nên kiến nghị chính sách hỗ trợ đồng bộ. 

Đừng chỉ dừng ở khẩu hiệu!

Suốt mấy ngày nay, mỗi khi gọi điện thoại, người dân đều được nhắc “thiết lập trạng thái bình thường mới để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế và vừa để chống dịch” thay cho lời nhắc nhở hãy tuyệt đối chấp hành lệnh cách ly xã hội.

Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam hiểu hết ý nghĩa của cụm từ “trạng thái bình thường mới” và quan trọng hơn là làm sao, bằng cách nào để trạng thái “mới” đó giải quyết được bài toán cơm – áo – gạo – tiền đang bủa vây tứ phía? Thực tế, những điểm phát gạo miễn phí vẫn đông người xếp hàng để chờ đến lượt. Và tôi cũng tự hỏi không biết bao nhiêu trong số họ đã nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng?

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ đó khiến cho tôi nhận thấy hầu như những giải pháp, kế hoạch giải cứu nền kinh tế khỏi những hệ lụy nghiêm trọng của cuộc chiến chống dịch, vốn được thiết kế một cách bài bản và toàn diện vẫn còn nằm đâu đó ở khẩu hiệu và giấy tờ chứ chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Độ trễ của chính sách, xuất phát từ sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của bộ máy thực thi và truyền dẫn chính sách lúc này đối với sức khỏe của nền kinh tế cũng nguy hiểm hệt như virus SARS-CoV-2. Nếu nó không được khống chế và khắc phục triệt để sẽ dễ gây ra vỡ trận trong cuộc chiến giải cứu nền kinh tế bởi DN và người lao động đã không còn đủ sức để chờ đến lúc các gói cứu trợ đến nơi.

Toàn dân được kêu gọi “thiết lập trạng thái bình thường mới” nhưng có lẽ nhiều thứ vẫn còn rất cũ. Cơ chế, chính sách tuy được thiết kế nhanh chóng, toàn diện và quyết liệt nhưng đến khi thực thi vẫn phải chờ hướng dẫn, thủ tục trong khi mọi người đang được kêu gọi hãy giữ tư duy thời chiến.

Vẫn còn nguyên đó căn bệnh sợ trách nhiệm và lợi ích nhóm. Mua sắm tài sản công trong lúc dầu sôi lửa bỏng vẫn bị kê giá, đội giá và nảy sinh tiêu cực. Sự thiếu nhất quán trong tham mưu và hoạch định chính sách giữa các bộ – ngành vẫn tiếp tục gây phiền hà và thiệt hại cho DN và nền kinh tế như tình huống xuất gạo điển hình.

Những nguồn cảm hứng mới về xây dựng và phát triển kinh tế đến từ lòng tin được củng cố mạnh mẽ trong quá trình đoàn kết chống dịch gần như bị những gáo nước cũ dội cho tắt ngấm. Đó chính là những lực cản đã kìm nén chiếc lò xo kinh tế không thể bật dậy mạnh mẽ mặc dù đại dịch đã được kiểm soát.

Vấn đề này khiến cho quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn ra theo mẫu hình có phần đáy cong giống như chiếc gáo dừa chứ không thể như mẫu hình chữ V hay chữ U được. Bởi, kinh tế sẽ còn tiếp tục bi quan cho đến khi các dữ liệu quý II phản ánh một bức tranh tiêu cực hơn khi các cú sốc bất lợi đã trải qua thời kỳ “ủ bệnh” và bắt đầu bộc phát truyền dẫn vào nền kinh tế.

Vì thế, chúng ta phải mất thêm một khoảng thời gian trước khi sự suy giảm chạm đáy và ở vùng đáy một khoảng thời gian nữa để chờ đợi các gói giải pháp hỗ trợ DN và kinh tế – xã hội phát huy tác dụng, giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Quá trình đi lên cũng sẽ ổn định và chậm rãi chứ không thể bật lên mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén lâu ngày như kỳ vọng. Để giải quyết triệt để vấn đề này, “trạng thái bình thường mới” không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải có những hành động cụ thể và quyết liệt của cả khu vực tư lẫn khu vực công.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường Đại học Kinh tế TP HCM)


THÁI PHƯƠNG – NGUYỄN HẢI – THY THƠ – PHƯƠNG NHUNG

Chia sẻ