Tiếp tục làm việc đôn đốc các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Bộ trưởng Bộ

Làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều; lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu. 

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện cho biết trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá, sản lượng lúa thu hoạch 286.660 tấn, đạt 23,89% kế hoạch, tăng 12,04% cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước 4 tháng tăng 6,85% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường 4 tháng đầu năm ước đạt 25.118,04 tỷ đồng, bằng 34,11% kế hoạch, tăng 18,04% so với cùng kỳ.

4 tháng đầu năm sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt 24.563,4 tấn, đạt 25,85% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 255,66 triệu USD, bằng 25,57% kế hoạch, tăng 6,72% so với cùng kỳ.

Một số khó khăn, vướng mắc đã được đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nêu với đoàn công tác của Chính phủ. Trong đó, về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai là vướng mắc về cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu;

Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất; vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Những tháng đầu năm 2023, tuy dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, nhưng còn diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, giá và các chuyến dịch vụ vận chuyển không ổn định.

Thời tiết diễn biến bất lợi, nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định, lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận nguồn vốn, suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 

Tuy vẫn duy trì mức tăng nhưng chỉ số IIP có xu hướng tăng chậm so với cùng kỳ và quý I giai đoạn 2020-2022 do mức giảm sâu với 15,07% của ngành sản xuất và phân phối điện vì thời tiết không thuận lợi cho sản xuất điện gió so với cùng kỳ.

Chia sẻ thêm về khó khăn của tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho hay, Bạc Liêu là vũng trũng về giao thông với “4 không”: Không cảng biển, không đường cao tốc, không đường sắt, không sân bay. 

Quy mô nền kinh tế tăng nhưng giá trị tăng trưởng không cao. Con tôm là chủ lực của Bạc Liêu nhưng hiện năng lực chế biến xuất khẩu hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nên 50% nguyên liệu tôm phải đi các vùng khác.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Bạc Liêu đã gửi tới Chính phủ và các Bộ, ngành một số kiến nghị liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủ tục pháp lý về lĩnh vực đất đai và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. 

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, giải đáp những kiến nghị liên quan đến đất đai của tỉnh Bạc Liêu; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về vấn đề điều chỉnh quy hoạch;

Đại diện Bộ Giao thông vận tải giải đáp về các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh và đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu; đại diện Bộ Công Thương trao đổi về xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường xuất khẩu; đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lãm rõ thẩm quyền cấp giấy phép lao động nước ngoài tại Việt Nam…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong những tháng đầu năm khi tăng trưởng sản phẩm quốc hội đạt trên 7% cùng kỳ, xếp thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu đạt những kết quả khả quan. Với kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 20%, Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng, từ giờ đến cuối năm tỉnh Bạc Liêu còn nhiều việc phải làm để hoàn thành nhiệm vụ này. 

Bạc Liêu là tỉnh thuần nông với 2 nhóm sản phẩm chính là lúa và tôm, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang đặt ra thách thức cho cả 2 nhóm sản phẩm quan trọng của địa phương. 

Theo Bộ trưởng, tỉnh Bạc Liêu cần có giải pháp lâu dài, bền vững. Trong đó, đa dạng hoá về sản phẩm nông nghiệp, chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao và lưu ý đến giải pháp kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học trong nghiên cứu các loại giống mới chịu mặn tốt hơn… là những giải pháp được Bộ trưởng gợi mở với tỉnh Bạc Liêu.

Với tinh thần của cuộc làm việc là lắng nghe, trao đổi, nắm bắt và không có vấn đề vướng mắc nào của địa phương là không được tập hợp, giải đáp, Bộ trưởng cho biết, ngoài những giải đáp trực tiếp của các Bộ, ngành tại cuộc làm việc, Đoàn công tác sẽ tập hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ và có các giải đáp thấu đáo, đầy đủ bằng văn bản gửi địa phương. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu ráo riết chỉ đạo thực hiện một số nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức nội dung Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. 

Theo dõi, phân tích sát biến động tình hình thế giới, trong nước, trên cơ sở dự báo của chung cả nước để có dự báo riêng cho tỉnh; tận dụng cơ hội riêng của địa phương để phát triển. 

UBND các tỉnh nếu chưa thành lập thì cần thành lập ngay tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Chính phủ. 

Triển khai ngay và hiệu quả các giải pháp nhằm tháo tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị y tế, trang thiết bị giáo dục phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; quan tâm triển khai chính sách giảm nghèo, an sinh xã hôi; quan tâm tới thị trường lao động.