Điện máy phải làm gì để “sống”?

Khởi đầu từ kinh doanh các sản phẩm công nghệ, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) dần lấn sân sang lĩnh vực điện máy với hệ thống Điện máy Xanh và mạnh dạn đi vào mảng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu với chuỗi Bách Hóa Xanh. MWG cũng thâu tóm thành công chuỗi điện máy Trần Anh với mục tiêu khai phá sâu hơn thị trường phía Bắc.

Tăng tốc mở rộng địa bàn

Đáng chú ý, “ông lớn” này còn thâu tóm hệ thống nhà thuốc Phúc An Khang nhằm làm phong phú thêm hệ sinh thái bán lẻ tiện lợi vốn có. Từ 14 cửa hàng tại TP HCM, sau khi về chung một nhà với Thế Giới Di Động và được đổi tên thành An Khang, hệ thống đã cán mốc hơn 500 cửa hàng thuốc trên khắp cả nước. Năm qua, MWG liên tục mở hàng loạt chuỗi bán lẻ khác với nhiều nhóm mặt hàng đa dạng, như: xe đạp, quần áo, giày dép, đồng hồ, nữ trang, mắt kính…

Điện máy phải làm gì để sống? - Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động lấn sân sang mảng nhà thuốc với tốc độ mở rộng chuỗi rất nhanh

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO MWG, cho hay tốc độ mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang đã vượt kỳ vọng ban đầu và có thể hoàn thành sớm kế hoạch đạt 800 cửa hàng trong năm 2022. “Việc mở rộng chuỗi thần tốc là tất yếu sau quá trình thăm dò thị trường. Tham gia cuộc đua có phần muộn hơn so với nhà bán lẻ khác, An Khang chắc chắn sẽ duy trì tốc độ để rút ngắn khoảng cách” – đại diện MWG khẳng định.

Một “ông lớn” khác trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ là Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng không đứng ngoài cuộc đua thâu tóm. Thương vụ nổi tiếng của FPT Retail là mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, đổi tên thành FPT Long Châu.

Năm 2022, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 27.000 tỉ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế 720 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Để đạt mục tiêu này, FPT Retail sẽ đồng loạt triển khai các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trên toàn hệ thống FPT Shop, F.Studio by FPT và FPT Long Châu. 

Với FPT Shop, dựa trên mô hình thành công sẵn có, FPT Retail sẽ mở thêm khoảng 100 cửa hàng nhằm tăng vùng phủ đến những quận, huyện đông dân cư bên cạnh việc mở mới hơn 70 trung tâm laptop. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) này cho biết sẽ phát triển thêm những dịch vụ, sản phẩm mới, như: thử nghiệm điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính; triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo. Với chuỗi FPT Long Châu, FPT Retail đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành.

Trong khi đó, thương hiệu bán lẻ Nova Retail đang mở rộng nhiều chuỗi kinh doanh thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm. Nova Retail đặt mục tiêu trở thành đại lý phân phối cho các nhãn hiệu lớn, đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Mô hình thành công trên thế giới

Theo chuyên gia thương hiệu Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo DN, các tập đoàn lớn thường phát triển theo cơ chế vốn, hướng đến thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn cộng đồng càng nhiều càng tốt. Do vậy, hầu hết DN mở rộng quy mô nhằm chứng minh cho nhà đầu tư nước ngoài thấy năng lực, đồng thời giúp tăng giá trị cổ phiếu. 

“Doanh số, lợi nhuận trong giai đoạn đầu không quá quan trọng, quan trọng nhất là giá trị cổ phiếu phải tăng và chia cổ tức hấp dẫn. Con đường lên sàn chứng khoán để thu hút đầu tư cộng đồng là dễ nhất đối với các tập đoàn lớn” – ông Tuấn nhận định.

Cũng theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ sẽ gặp khó khăn lớn trong môi trường kinh doanh hiện đại. Bởi vì, những DN này không đủ lực để bắt theo xu hướng tạo chuỗi bán lẻ rộng khắp, tích hợp nhiều chuỗi bán lẻ để tăng giá trị DN rồi bán cổ phần. Hơn nữa, DN nhỏ cũng không có lợi thế về kinh nghiệm quản lý chuỗi, quản lý công nghệ được tối ưu hóa triệt để như những DN lớn, dẫn đến sức cạnh tranh thấp và dễ bị thâu tóm.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ Chinh Phạm cho rằng việc các ông lớn trong ngành bán lẻ điện máy, công nghệ thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ khác là xu hướng tất yếu của thị trường. Bán lẻ đa ngành là mô hình rất thành công trên thế giới và đang dần hình thành ở thị trường trong nước với tốc độ phát triển khá tốt. 

“Với xu hướng hầu hết DN tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán, họ cần có tăng trưởng. Thế nhưng, ngành hàng bán lẻ điện máy, hàng công nghệ gần đây đã bão hòa, tăng trưởng không còn tốt như trước, buộc DN phải tìm động lực tăng trưởng mới từ những ngành hàng khác và đưa vào chuỗi vốn có” – chuyên gia Chinh Phạm nhận định. 

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chuỗi bán hàng công nghệ như FPT Shop, CellphoneS, Di Động Việt… gần đây không chỉ kinh doanh mặt hàng điện thoại, laptop, máy tính bảng, phụ kiện… mà còn bán kèm hàng điện máy, điện gia dụng, nồi, chảo… Trong khi đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy thì tích hợp kinh doanh nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm, chăn drap, thậm chí cả hàng tiêu dùng như: dầu ăn, nước tương, nước mắm, bột nêm…

Điện máy phải làm gì để sống? - Ảnh 3.


Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI