Diễn đàn Mekong Connect 2022 đã khai mạc sáng nay (24/11), tại TP, Cần Thơ. Diễn đàn do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), TP.HCM và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao Diễn đàn năm nay với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”.

Đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá sau đại dịch Covid-19, theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022

Theo ông Trần Thanh Mẫn, vùng ĐBSCL được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đồng thời, trong Vùng còn có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời…Đặc biệt, thời gian qua, Nhà nước đã và đang tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc: Trung Lương – Mỹ Thuận; Mỹ Thuận  – Cần Thơ; Cần Thơ – Cà Mau; An Giang – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2; cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn….

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng ĐBSCL đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là, nền nông nghiệp của Vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ Vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP.HCM, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp.

Bên cạnh đó, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…

“Tôi hy vọng, từ những kết quả nổi bật của Vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và đặc biệt thông qua Diễn đàn này, sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.” ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022

Về phía địa phương đăng cai Diễn đàn Mekong Connect 2022, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Diễn đàn là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp; Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Các địa phương, doanh nhân, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.

Theo ông Trần Việt Trường, với định hướng phát triển, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phát triển không xa rời việc liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng. Đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL; đời sống vật chất tinh thần của người dân đạt mức cao.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: “Để thực hiện đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ mà Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã đề ra, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của Thành phố, còn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đặc biệt là TP.HCM. Do vậy, Diễn đàn này mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên nhưng cũng vừa là cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu, gắn kết cùng xây dựng mối liên kết bền vững giúp nhau cùng phát triển”.

Theo Ban Tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2022, Diễn đàn năm nay có ba điểm mới so với Diễn đàn các năm trước.

Thứ nhất, Diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp… Đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect 2022 có thể dựa trên đó đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả.

Nét mới thứ hai, năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể… trên cả nước, chương trình Mekong Connect 2022 đến lúc có thể tổ chức thêm một ngày, trong đó, dành liên tiếp hai ngày cho “Ngày hội khởi nghiệp và Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”.

Đây là không gian lớn nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng qui mô, phát hiện các cơ hội thị trường, cũng như nâng cao năng lực thị trường (thực hành hoạt động tiếp thị và phân phối sản phẩm).

Điểm mới thứ ba, thể hiện mới quan tâm lớn tới vần đề “Phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.