Dịch Covid-19 tác động tới các ngân hàng như thế nào?

Đây là nhận định của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV trong báo cáo đánh giá tác động dịch Covid-19 đến hoạt động của ngành ngân hàng vừa công bố.

Để đưa ra những đánh giá tác động nói trên, nhóm nghiên cứu đã rà soát, tổng hợp các yếu tố dự kiến có tác động trọng yếu gồm các tác động trực tiếp (do thực hiện chính sách hỗ trợ nền kinh tế) và gián tiếp do hoạt động kinh doanh khó khăn.

Theo đó, ở nhóm các yếu tố tác động trực tiếp, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-1,5 điểm % đối với dư nợ hiện hữu. Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, ước tính có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch (nếu thận trọng trừ đi khoảng 10% dư nợ không được giảm lãi suất do đã hưởng ưu đãi từ các gói trước đó)… thì thu nhập của các ngân hàng sẽ giảm khoảng 11.475 tỉ đồng.

Dịch Covid-19 tác động tới các ngân hàng như thế nào? - Ảnh 1.

Lợi nhuận của các ngân hàng dự báo giảm mạnh. Ảnh: Linh Anh

Việc giảm lãi suất các khoản vay mới ở gói tín dụng ưu đãi (lãi suất giảm từ 1-2,5 điểm %) mà các ngân hàng cam kết lên đến khoảng 600.000 tỉ đồng. Nếu quy mô của gói ưu đãi này được giải ngân hết trong năm nay, ước tính thu nhập của các tổ chức tín dụng có thể giảm từ 2.430 – 6.075 tỉ đồng.

Việc cơ cấu nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt… cũng khiến thu nhập của các ngân hàng có thể giảm tới 3.500 tỉ đồng.

Đối với các yếu tố tác động gián tiếp, ước tính tổng thu nhập của ngành NH trong năm nay có thể bị giảm khoảng 12.268 tỉ đồng do giảm thu nhập từ lãi khoảng 5.532 tỉ đồng khi tín dụng tăng trưởng thấp 11% (so với mục tiêu ban đầu là 14%) và các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu tăng.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, mức giảm thu nhập của ngành NH trong năm nay có thể ít hơn nhờ các các yếu tố chính như phát triển mạnh dịch vụ NH số giúp gia tăng mảng kinh doanh này; nếu NH thương mại triển khai hiệu quả các gói tín dụng sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cao hơn và mức tăng nợ xấu ít hơn; mức trích dự phòng rủi ro ít đi nếu quá trình hồi phục của nền kinh tế diễn ra nhanh hơn…

TS Cấn Văn Lực nhận xét từ kết quả đánh giá trên, có thể thấy đại dịch Covid-19 tác động lớn và tiêu cực đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 7 kiến nghị, trong đó Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy hoàn thiện hàng lang pháp lý trong quá trình xây dựng và thực hiện các gói hỗ trợ cũng như phát triển kinh tế số, dịch vụ tài chính số, ngân hàng số, dịch vụ tiền di động (Mobile Money). Các tổ chức tín dụng cần đa dạng hoá nguồn thu để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng, tập trung phát triển mảng dịch vụ NH số, sản phẩm dịch vụ mới sau dịch Covid-19…

Theo ghi nhận, hiện nhiều NH thương mại đã bắt đầu cắt giảm lương, thưởng của nhân viên và cấp quản lý, ban lãnh đạo; một số NH đã thông báo điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận của năm nay giảm tới cả ngàn tỉ đồng so với kế hoạch trước đó. 


Thái Phương