Dâu tây, hồng, đông trùng hạ thảo… vào nhóm sản phẩm thương hiệu Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản thống nhất mở rộng sản phẩm của thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gồm: hồng ăn quả và các sản phẩm từ quả hồng; dâu tây và các sản phẩm từ quả dâu tây; actiso và các sản phẩm từ actiso; đông trùng hạ thảo tươi – khô và các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, nấm linh chi tươi – khô; các sản phẩm từ nấm linh chi, trà Ô Long.

Dâu tây, hồng, đông trùng hạ thảo... vào nhóm sản phẩm thương hiệu Đà Lạt - Ảnh 1.

Trái hồng và những sản phẩm từ loại nông sản này vừa được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng.

Như vậy, nhóm sản phẩm sau khi mở rộng gồm: nhóm rau – củ – quả được nấu chín, được làm khô, được bảo quản hoặc được đông lạnh (tùy loại); nhóm cà phê arabica hạt và cà phê arabica rang xay, chè – trà từ actiso; nhóm rau tươi, rau củ tươi, rau quả tươi; quả tươi; thảo mộc tươi; hoa tươi; nấm tươi (linh chi và đông trùng hạ thảo); nhóm về du lịch canh nông.

  • HỘI THẢO “NÂNG TẦM NÔNG – THỦY SẢN VIỆT”: Xóa “giải cứu” nông sản, cách nào?

  • Nông sản – đặc sản vùng miền hội tụ tại Gigamall

UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở – ngành và Ban Quản lý thương hiệu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký bảo hộ lại nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với Cục Sở hữu trí tuệ; xây dựng tiêu chí chất lượng để chứng nhận và các phương pháp đánh giá của các sản phẩm được mở rộng; điều chỉnh, bổ sung tiêu chí chất lượng để chứng nhận và các phương pháp đánh giá sản phẩm du lịch canh nông.

Nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng năm 2017, áp dụng cho 4 sản phẩm đặc thù địa phương, gồm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.

Đến cuối năm 2022, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã được cấp quyền sử dụng cho 653 tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh hoa; 91 tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông, 14 cơ sở kinh doanh cà phê arabica.


Trường Nguyên