Dấu ấn Vifon

Thành lập từ năm 1963, qua 57 năm phát triển với không ít thăng trầm, Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã khẳng định được vị trí vững chắc tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có các thị trường khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và trở thành một trong những thương hiệu được ưa thích nhất tại Hungary, Ba Lan, Slovakia, Cuba…

Hoàng kim một thuở

Những năm 1990, cái tên Vifon nổi tiếng khắp nơi với các thương hiệu “gây sốt” thị trường. Đến giờ, nhiều thế hệ người tiêu dùng vẫn nhớ như in mùi thơm thách thức vị giác và hương vị đậm đà của gói mì gà tím nhãn hiệu Vifon. Sức mạnh của Vifon được khẳng định qua hàng loạt đề nghị hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài, ngay khi làn sóng đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Năm 1993, Vifon bắt tay với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Acecook, thành lập liên doanh Vifon Acecook với phần vốn 40% thuộc về Vifon. Tiếc là liên doanh không thuận lợi, mãi đến năm 1995, Vifon Acecook mới có sản phẩm ra thị trường nhưng loay hoay không tiêu thụ được. Bản thân Vifon vốn quen với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nhà nước, bước ra thị trường hội nhập bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế. Vifon dần đi xuống, rời xa vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực mình từng thống trị, nhường thị phần cho những thương hiệu khác nổi lên mà đứng đầu là đối tác một thời: Vina Acecook.

Dây chuyền sản xuất, đưa hàng lên container xuất khẩu tại Vifon Ảnh: TẤN THẠNH

Đỉnh điểm của khó khăn là giai đoạn 2002-2003, sản phẩm làm ra không bán được, DN gần như rơi vào bế tắc. Năm 2003, công ty cổ phần hóa, nhà nước giữ 51% vốn. Mất thêm mấy năm trầy trật hoạt động theo mô hình cổ phần, không những không phát triển được mà có nguy cơ mất luôn thương hiệu nên ban lãnh đạo công ty đã mạnh dạn cải tổ, đến năm 2010, Vifon có sự đột phá mạnh mẽ, thay đổi rất lớn về nhân sự.

“Bộ phận kinh doanh, xuất khẩu, marketing gần như thay đổi hoàn toàn. Cùng với đó là sự đầu tư nghiêm túc vào cải tiến công nghệ, đưa thiết bị hiện đại vào trong sản xuất. Vifon phát triển thành công nhiều sản phẩm mới cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Từ năm 2014 trở về sau, công ty bật lên thật sự. Đến nay, Vifon đã sở hữu hơn 100 mã hàng ở cả 3 dòng thấp, trung và cao cấp; doanh thu trung bình hằng tháng đạt 200-220 tỉ đồng, trong đó thị phần nội địa/xuất khẩu dao động ở tỉ lệ 50%/50% hoặc 60%/40%” – bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Vifon, tóm tắt.

Tiếp tục chinh phục khách hàng

Phở ăn liền là sản phẩm đột phá, góp phần vực dậy Vifon. “Các anh chị lãnh đạo đi nước ngoài thấy nhiều người Việt xa xứ muốn ăn tô phở cho đỡ nhớ quê nhưng không có nên về bàn với công ty sản xuất phở công nghiệp. Vậy là mày mò công thức, nhập dây chuyền… rồi ra thành phẩm. Lúc đầu, chúng tôi bán phở ra thị trường miền Bắc và hồi hộp chờ phản ứng từ khách hàng. Không ngờ thành công ngoài mong đợi, sản phẩm tiêu thụ rất mạnh và được khách hàng đánh giá là mùi vị tương tự phở truyền thống” – bà Phương Mai nhớ lại và cho biết đến giờ, doanh thu mặt hàng phở ăn liền của công ty tại thị trường miền Bắc vẫn tốt hơn trong miền Nam. Thừa thắng xông lên, những năm sau này, Vifon cho ra đời hàng loạt sản phẩm “công nghiệp hóa” các món ăn đặc sản của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam như bánh đa cua, bún bò Huế, hủ tiếu, cháo…

Dấu ấn Vifon - Ảnh 2.

Vifon lập kỷ lục Guinness “Tô phở bò lớn nhất thế giới” vào năm 2018 Ảnh: TẤN THẠNH

Trong thế giới hàng tiêu dùng nhanh, cạnh tranh càng lúc càng khốc liệt, các nhãn hàng so kè nhau từng chút một. Có những thời điểm Vifon gặp khó khăn về giá bán. Nguyên liệu DN mua được giá tốt nhưng đối thủ lại mua giá tốt hơn; các yếu tố về sản lượng, công nghệ… cũng đi vào giá thành trong khi nhiều DN “đánh” rất mạnh về chính sách giá và các chương trình khuyến mãi giảm giá hoặc bán hàng kèm quà tặng. “Vậy bí quyết thành công của Vifon là gì?” – chúng tôi hỏi. “Vifon đi lên từ bài học thất bại trong quá khứ. Những khó khăn trong quá khứ giúp chúng tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất là nắm bắt xu hướng tiêu dùng để định hướng sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường” – bà Phương Mai trả lời và khẳng định tất cả sản phẩm phở, cháo, mì ăn liền và cả gia vị, nước chấm… của công ty lần lượt ra đời sau này đều dựa trên nghiên cứu thị trường, đáp ứng được yêu cầu của xã hội về sản phẩm tiện lợi, dinh dưỡng và gần gũi nên được người tiêu dùng đón nhận.

Trả lời câu hỏi Vifon có kế hoạch chinh phục lại ngôi vương đã mất, bà Phương Mai cho hay phương châm của DN là không so kè với đối thủ mà chọn cách làm thật tốt việc của mình, đi trên con đường của mình. Làm sao cho chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, giá cả ngày một cạnh tranh hơn và linh hoạt chiến lược thị trường ở từng khu vực để tung sản phẩm, chương trình phù hợp. “Nhờ sự linh hoạt này mà năm 2019 Vifon gặt hái thành công lớn ở mảng sản phẩm từ gạo, vượt lên tốp đầu thị trường về các sản phẩm này” – Chủ tịch HĐQT Vifon tự hào.

Thương hiệu gần 60 năm của TP HCM duy trì được mức tăng trưởng 2 con số, riêng năm 2019 tăng trưởng 15% và khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm 2020. Xu hướng tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm chế biến ở thị trường trong nước lẫn quốc tế tăng mạnh trong năm nay. Đơn hàng từ Mỹ của Vifon đã tăng 30% trong 3 tháng đầu năm, nhiều thị trường cũng tăng đặt hàng và hối thúc tiến độ trong khi Vifon còn đang nợ nhiều đơn hàng từ tháng 2 đến giờ chưa trả xong. Hiện Vifon đang đẩy nhanh tiến độ mở thêm nhà máy, nhập thêm dây chuyền sản xuất để tận dụng cơ hội mới.

“Luôn vì hôm nay từ 1963”

Tại một buổi làm việc giữa Sở Công Thương TP HCM với các DN lương thực – thực phẩm trong cao điểm ứng phó với dịch Covid-19 gần đây, chúng tôi khá ấn tượng khi nghe bà Bùi Phương Mai cho hay dù đơn hàng xuất khẩu đang về tới tấp nhưng công ty vẫn quyết định chuyển 2 dây chuyền làm hàng xuất khẩu sang “chữa cháy” cho đơn hàng nội địa. Nguyên nhân: có hiện tượng người tiêu dùng mua gom, vét sạch các mặt hàng mì, bún, phở ăn liền lẫn gia vị của công ty bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm lẫn tại các siêu thị. “Nhà bán lẻ trong nước liên tục đặt và hối thúc đơn hàng, trong lúc cấp bách chống dịch, chúng tôi phải ưu tiên góp phần ổn định thị trường trong nước” – bà Phương Mai nói.

Giữ thiện cảm với thương hiệu Vifon từ buổi làm việc đó, chúng tôi tìm vào website công ty này và một lần nữa bị gây chú ý bởi slogan “Vifon – luôn vì hôm nay từ 1963” nổi bật ngay trang chủ. Click vào từng chuyên mục, hình ảnh và thông tin về DN, sản phẩm được trình bày sinh động, bắt mắt.

Thương hiệu của những “lần đầu tiên”

Những ai yêu mến thương hiệu Vifon sẽ không quên được những “lần đầu tiên” của DN này: là DN đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu mì gói, là DN đầu tiên sản xuất phở ăn liền và cũng là DN đầu tiên loại phẩm màu hóa học ra khỏi thành phần sản phẩm.

Theo bà Bùi Phương Mai, Vifon hay bất kỳ DN nào cũng không thể ép người tiêu dùng mà chỉ có thể chinh phục họ bằng những giá trị cốt lõi. Chẳng hạn nói đến Vifon là khách hàng nghĩ ngay đến thương hiệu đi đầu về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đến nay, tất cả sản phẩm của công ty đều không chứa phẩm màu, dần dần tiến tới không chất bảo quản, không sử dụng bột ngọt… Công ty cũng chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm mì ăn liền làm từ sợi mì tươi (chỉ hấp và sấy khô, không qua chiên) thân thiện hơn với sức khỏe người tiêu dùng.


Thanh Nhân