Đất lành “buôn có bạn”…

Minh Trần vốn là sinh viên chuyên ngành khoa học tự nhiên ở TP HCM, học giữa chừng thì rẽ ngang, ôm máy ảnh đi tầm sư học đạo. Tay nghề nhiếp ảnh dần khá lên, chàng trai quê đất Thủ này bắt đầu có mối chụp hình lẻ. Người này giới thiệu người kia, dần dần anh chàng có tên tuổi. Minh Trần quyết định mở hiệu ảnh tại gia, ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Rồi mạng xã hội phát triển, Minh Trần vừa làm nghề vừa dồn sức quảng bá cho thương hiệu cá nhân. Không gì dễ hút khách hơn là những pô ảnh người đẹp, từ hiền lành kín đáo tới táo bạo hở hang. Thế là khách càng nhiều. Thấy dễ làm ăn, Minh Trần mở dịch vụ chụp ảnh cưới, tuyển mộ thêm lính đồng hương rồi dạy nghề cho họ. Khách đông, tiệm tại nhà chật, vợ chồng Minh Trần thuê nhà mặt phố để mở tiệm chụp ảnh – cho thuê đồ cưới – trang điểm cô dâu.

Ngày nọ, vợ chồng bàn nhau dời tiệm từ Bình Dương sang TP HCM. Đất rộng, người đông làm ăn dễ phát nếu gặp thời. Những ngày đầu được người bà con giới thiệu cho một mặt bằng tại trung tâm quận 11, khá sầm uất. Suốt 3 tháng ế khách, vợ chồng Minh Trần chẳng hiểu vì sao, tất cả không như mộng tưởng! Một sáng kia, ngồi cà phê vỉa hè gần nhà, nghe Minh Trần thở dài, ông xe ôm thạo chuyện bảo: “Cả dãy đường này toàn là tiện – hàn – kim khí – phụ tùng xe máy, cậu “chọt vô” mở hiệu ảnh – áo cưới thì sao mà mần ăn cho được. Người ta “buôn có bạn, bán có phường” cậu ơi, phải tìm chỗ khác thôi!”.

Minh Trần nghe mà giật mình: “Đúng rồi. Thấy khách tới đây toàn là dân “lem luốc”, mỗi khi đi ngang cửa hàng sang trọng của vợ chồng anh, họ chỉ nhìn lướt qua, thờ ơ, vậy là mình “hoa lạc giữa rừng gươm” rồi” – anh tự nghĩ rồi lấy xe máy “lượn” một vòng, tìm hiểu, nghe ngóng. Cuối tháng đó, vợ chồng anh dời tiệm về phố đồ cưới Hồ Văn Huê, dần dần làm ăn được, qua mấy năm, cơ ngơi ngày càng khá khẩm. Anh nhận xét: “Đúng là phải “bán có phường”, ở nơi tập trung càng nhiều cửa hàng kinh doanh chung một loại hình dịch vụ thì khách càng dễ chọn lựa để đưa ra quyết định, thay vì đi lòng vòng tìm nhiều nơi. Người ta truyền tai nhau, hễ chụp ảnh tân hôn – trang điểm cô dâu – thuê đồ cưới thì hãy đến đây. Thế là bọn tôi đông khách!”.

Chứng minh cho lời của anh ấy cũng dễ. Dạo quanh TP HCM, rất dễ tìm gặp các phố “buôn có bạn”, như phố đồ cổ Lê Công Kiều (quận 1), phố thiệp cưới Lý Thái Tổ (quận 10, quận 3), phố đồ gỗ Ngô Gia Tự (quận 10), phố đông dược (quận 5), phố đồ điện tử Huỳnh Thúc Kháng (quận 1), phố vật liệu xây dựng Tô Hiến Thành (quận 10), phố mì Quảng Võ Thành Trang (quận Tân Bình)…

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành. Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…”. Đất Kẻ Chợ xưa (Thăng Long) có 36 phố phường, nay là khu phố cổ Hà Nội, mỗi phố chuyên doanh một mặt hàng. Người có nhu cầu mua món hàng nào thì cứ tìm đến phố đó, ắt có. Điều này có liên quan đến các phường buôn bán ở đất phương Nam, mà đặc trưng là TP HCM, hay không?

Nêu ý kiến trên một tờ báo trước đây, nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng tâm lý mang tính phường, hội trong buôn bán ở Sài Gòn được du nhập từ miền Bắc cùng với quá trình di dân. Nhưng căn nguyên của tập quán này lại xuất phát từ các phiên chợ quê truyền thống từ xa xưa, khi mỗi người dân trong làng có một ít sản vật cũng đem ra chợ bán để đổi lấy những hàng hóa khác. Do đơn thương, nhỏ lẻ khó được biết đến nên những người có cùng mặt hàng tập trung lại để khách hàng dễ nhận biết và tìm tới.

Một lý giải khác, của cố học giả Vương Hồng Sển, trong sách “Sài Gòn năm xưa”, ông kể về chuyện buôn theo phường, bán theo hội ở đất Sài Gòn – Chợ Lớn ngày trước. Theo đó, các phố chuyên doanh hầu hết là của người Hoa từ Trung Quốc sang, mỗi phố một mặt hàng nên dễ tiếp thị, dễ chọn được mặt hàng ưng ý. Nhỏ hơn là các chành, các vựa. Các chủ tiệm đều là đồng hương, đồng tộc nên hỗ trợ nhau cùng phát triển. Người Hoa trọng chữ tín, tính cố kết cộng đồng cao. Nhu cầu nương tựa lẫn nhau cũng chính là gốc rễ của tập quán buôn bán này.

Cả hai sự lý giải đều hợp lý. Thực tế ở Sài Gòn – TP HCM cho thấy các phố chuyên doanh được hình thành từ quá trình di dân của người miền Bắc vào, miền Trung vô, miền Tây lên, miền Đông sang… khá nhiều, ở quận nào cũng có và tồn tại, phát triển qua nhiều năm. Thậm chí, các phiên chợ quê ngày nay cũng thường được mở giữa lòng phố thị. Có 2 đặc điểm khá phổ biến, đó là hòa nhập khá nhanh ở đất khách song vẫn giữ được đặc trưng vùng miền, thể hiện qua cốt cách ứng xử, ngôn ngữ và phong vị địa phương.

Có thật vậy không? Thật! Ai thèm món Bắc sẽ được chỉ vẽ “nên sang khu sân bay”. Đó là phường 2, phường 4 của quận Tân Bình bao quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nơi người miền Bắc vào định cư khá đông, kèm theo đó là hàng quán bán những món đặc trưng miền ngoài: thịt cầy, lòng lợn tiết canh, bún cá rô đồng, bún chả, nem Phùng, cá chép nấu riêu, cơm Bắc, cà pháo mắm tôm… Phố thịt cầy Nhật Tân nức tiếng Hà thành cũng được nhiều lưu dân mang vào đây, mở một dãy ở khu vực Thị Nghè (quận Bình Thạnh) hay chợ Ông Tạ (quận Tân Bình). Những ngày giáp Tết, mấy khu vực đông người Bắc cũng bày bán nhiều hoa đào hơn so với những loài hoa phương Nam.

Đất lành buôn có bạn... - Ảnh 1.

Bến Bình Đông (quận 8, TP HCM) – nơi tập kết hoa trái, gạo, mắm của thương nhân, nông dân miền Tây – trở thành nét riêng “buôn có bạn, bán có phường” ở đất Nam Bộ. Ảnh: THU HUỲNH

Còn người miền Trung thì quần cư chủ yếu ở quận Tân Bình (đông nhất là phường 11 – “cứ địa” của dân Quảng Nam), quận Gò Vấp và quận Tân Phú. Ở phường 11, quận Tân Bình từ những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước đã có “làng dệt Bảy Hiền” – nơi tập trung hầu hết những hộ dân quê gốc Điện Bàn và Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) có truyền thống trồng dâu nuôi tằm ven sông Thu Bồn vào đây hành nghề dệt vải. Làng dệt Bảy Hiền hưng thịnh suốt hàng chục năm, kéo theo biết bao người đồng hương khác cùng “đi Sài Gòn” và ở lại, lập nghiệp. Bây giờ, làng dệt Bảy Hiền không phồn thịnh như xưa, số hộ dệt vải còn ít nhưng tiếng dệt cửi mỗi ngày vẫn vọng lên, là dấu tích của làng dệt ăn nên làm ra một thuở nhờ biết dựa vào nhau “buôn có bạn”. Trong chợ Bà Hoa tại phường này đa số cũng là các tiểu thương đồng hương Quảng Nam, khách đến phần đông cũng là dân Quảng Nam và Quảng Ngãi, do vậy được gọi là chợ người Quảng – món Quảng.

Miền Tây, với đặc điểm địa lý rất gần TP HCM, nên dân miệt thứ lên đây tìm kế sinh nhai rất đông. Ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có xóm dây thừng, tập trung nhiều hộ dân quê An Giang chuyên bện dây thừng bỏ mối. Người miền Tây lên thành phố làm đủ thứ nghề, cũng có thể vì phố – quê không xa nên chuyện đi – về với họ thật đơn giản, do đó không có nhiều “làng định cư” lâu bền so với những lưu dân miền khác, xa hơn như Trung và Bắc. Dẫu vậy, tính “phường, hội” trong buôn bán của dân miệt thứ vẫn thể hiện khá rõ trong nhịp mưu sinh thường nhật, chẳng hạn về Bến Bình Đông (quận 8), bạn sẽ thấy toàn là ghe, thuyền, sà lan từ miền Tây lên, đưa trái cây, hoa quả, gạo, mắm từ 9 tỉnh đồng bằng cập bến này rồi đưa đi muôn hướng. Hay vào những ngày giáp Tết, các chợ hoa, hội hoa, đường hoa nổi tiếng ở TP HCM trở thành sân chơi của dân hoa kiểng miền Tây là chính.

Theo sách “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM, tái bản lần 2, năm 2020), nhóm nhạc miền Đông có đóng góp lớn cho phong trào nhạc tài tử (vốn là thế mạnh của đất miền Tây).

Dấu ấn “phường, hội” của họ thể hiện qua sự ra đời của nhóm nhạc miền Đông với công đầu của thầy Ba Đợi (nhạc sư Nguyễn Quang Đại) thành lập ở làng Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Họ mở rộng đào tạo sang Đồng Nai, Bình Dương và Sài Gòn, cho ra đời nhiều tên tuổi như Sáu Thới, Tám Hoạnh, Giáo Thinh, Tư Nghị, Năm Cẩn, Hai Bầu, Ba Đồng, Chính Chiêu, Văn Kiên, Võ Phải, Út Búng… Cùng với nhóm nhạc miền Tây, đờn ca tài tử được dân miền Nam phát dương quang đại, làm nền tảng của hoạt động sân khấu cải lương – “đặc sản Nam Bộ” hơn trăm năm qua.

Nơi nào dễ sống? Câu trả lời là đất phương Nam, trong đó tiêu biểu là Sài Gòn – TP HCM, thành phố được xem là đất lành. Có lẽ vì vậy mà những cuộc di binh, di dân mở cõi trong lịch sử, từ thời vua Lê Thánh Tông, rồi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh… đều hướng về cực Nam? Đất lành – chim đậu và hẳn nhiên ở nơi tha hương, lưu dân phải “buôn có bạn, bán có phường”.

Đó không chỉ là tập quán làm ăn thông thường, nhìn xa hơn, đó chính là truyền thống đoàn kết, tương trợ của người Việt. Phẩm chất này góp phần quan trọng làm nên sức mạnh của cả dân tộc. 


Trà Linh