Lo ngại “đoàn này đi, đoàn khác tới”

Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về những điểm còn khác nhau của dự án Luật Thanh tra vào sáng 25/10, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) nhắc đến thực tế đang có quá nhiều cuộc thanh tra, chưa kể các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương.

,
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng)

“Trong luật này, cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” được lặp lại nhiều lần, nhưng thực tế cho thấy tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra và ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương. Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới, thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương”, đại biểu Thúy bày tỏ lo ngại.

Nếu gắn thực trạng này với các quy định về thời hạn thanh tra đang có trong Dự thảo Luật Thanh tra, thì ảnh hưởng mà các địa phương phải đối mặt sẽ tăng lên.

Theo quy định tại Điều 45, cuộc thanh tra do Chính phủ tiến hành là không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày, mà đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì có thể gia hạn 2 lần không quá 60 ngày, như vậy cộng lại tối đa là 120 ngày, thành ra là 4 tháng.

“Tôi đề nghị nên chăng quy định ký số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương, cụ thể là ở tại Điều 43 về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra”, đại biểu Thúy đề nghị.

Đề xuất này hoàn toàn khả thi, theo bà Thúy, khi nhắc đến thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã có quy định là không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Doanh nghiệp đánh giá cao, bởi như thế họ dành được nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh, Bà Thúy phát biểu tại Hội trường.

Tham gia góp ý về nội dung xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra tại Điều 53, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, khoản 1 Điều 53 có quy định khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán và luật này.

Tuy nhiên, ông Mạnh phân tích, luật này chưa quy định cơ quan nào chủ trì, phối hợp để xử lý chồng chéo, chưa có quy định nguyên tắc nêu 2 cơ quan không thống nhất thì xử lý theo nguyên tắc nào và cơ quan tổ chức, cá nhân nào xem xét quyết định.

“Về nguyên tắc xử lý chồng chéo tại khoản 2 đã quy định khá đầy đủ, tuy nhiên chưa có quy định về xử lý chồng chéo giữa Thanh tra bộ và Thanh tra Tổng cục và cục thuộc bộ. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung”, đại biểu Mạnh nêu đề xuất.

Làm rõ vì sao bỏ trống phần xử lý vi phạm chậm ban hành kết luận thanh tra

Đây cũng là yêu cầu của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy khi trong nhắc tới nội dung Điều 101 của Dự thảo Luật Thanh tra. Điều này quy định về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra, nhưng chỉ nói là xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra. Trường hợp chậm ban hành kết luận thanh tra, theo bà Thúy, dự thảo luật còn bỏ trống.

Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành mà cũng không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra.

“Đối với nội dung thứ hai này, đây là lần thứ hai tôi phát biểu, dù trên các diễn đàn khác nhau, tôi đề nghị nếu không tiếp thu thì cần phải giải trình làm rõ”, đại biểu Thúy yêu cầu.

,
 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thậm chí còn có một danh sách những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện thanh tra từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận.

“Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao, việc này cũng phải xem xét”, đại biểu đặt câu hỏi.

Nguyên nhân có nhiều, theo đại biểu Hạ. Có thể là vì người ra quyết định thanh tra, người ký kết luận thanh tra thì lại không tham gia đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo lại với người quyết định thanh tra, vậy khi có mâu thuẫn, có những vấn đề còn cấn cá trong quá trình thẩm định.

Có thể do khúc mắc giữa người ký quyết định với trưởng đoàn và đoàn thanh tra chưa thống nhất được nội dung kết luận và cũng có thể vì một nguyên nhân nào đó, một yếu tố nào đó kết luận thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra.

Vấn đề đại biểu đặt ra là quy định trong luật thế nào để khắc phục vấn đề này, chế tài ra làm sao cũng phải quy định rõ. Những vấn đề này thực tế đang xảy ra mà chúng ta chưa khắc phục được.

Đây cũng là một trong nhiều nội dung mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nhắc tới.

Mặc dù đồng tình với quy định “trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, khả thi”, nhưng bà Nhi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép để thực hiện công việc này là bao nhiêu ngày để đảm bảo thời gian công bố kết luận thanh tra.

“Ngoài việc ban hành chính xác, khách quan, khả thi nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo công bố kịp thời, tránh việc kéo dài, nhất là đối với các vụ việc mà dư luận đang quan tâm”, bà Nhi làm rõ quan điểm.