.
Thu ngân sách 2022 ước vượt khá lớn, khoảng 202.400 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ của Duy Linh). 

Hôm nay 28/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, đại biểu cho rằng, thu ngân sách 2022 ước vượt khá lớn, khoảng 202.400 tỷ đồng, tương đương hơn 14% so với dự toán, cho thấy việc dự báo còn bất cập, chưa sát thực tế. Các đại biểu cũng đề nghị đánh giá khả năng thu ngân sách, nhiều khoản thu còn dư địa tăng thêm như dầu thô, xuất nhập khẩu.

Vừa có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu, Bộ Tài chính thừa nhận, đúng như ý kiến của nhiều đại biểu, việc đánh giá ước thu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu ngân sách 2022 thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Vì thế, dự toán thu năm nay trình Quốc hội chỉ tăng 3,4% so với ước thực hiện thu ngân sách 2021 là khá thận trọng.

Tuy kết quả thu 9 tháng tích cực, đạt 94% dự toán, song Bộ Tài chính cũng nêu, thực tế những tháng gần đây tình hình kinh tế đã diễn biến nhanh theo chiều hướng xấu, cùng một số biến động trên thị trường tài chính – ngân hàng, khiến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Số thu một số ngành, lĩnh vực đang giảm dần từ tháng 7 trở đi. Bộ này dẫn chứng, mức thu bình quân 7 tháng đầu năm đạt hơn 11% dự toán một tháng, nhưng sang tháng 8 chỉ đạt 9,2% dự toán và tháng 9 mức thu giảm gần 50%, chỉ đạt 6,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm thu đạt 11% dự toán, khoảng 114.000 tỷ đồng một tháng, nhưng từ tháng 6 đến nay mức này đạt dưới 6%.

Bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có biến động nhanh, vượt xa dự báo, thì đánh giá thu ngân sách 2022 làm cơ sở xây dựng, điều hành chính sách tài khoá và dự toán 2023 như Chính phủ báo cáo là phù hợp, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Bộ cũng cho biết, trong điều hành Chính phủ sẽ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và tận dụng các cơ hội của hội nhập; đẩy mạnh quản lý thu, chống thất thu và phấn đấu thu đạt mức cao hơn số báo cáo Quốc hội.

Về khoản thu từ dầu thô, ước năm 2022 vượt 39.800 tỷ đồng so với dự toán, song theo Bộ Tài chính, số thu này hiện cũng chững lại do thực tế giá dầu thô giảm khá nhiều so với mức đỉnh, và dự báo có thể ở mức thấp từ nay đến cuối năm.

Với thu từ xuất nhập khẩu, 9 tháng đầu năm dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo đà phục hồi kinh tế. Mặt khác, xung đột Nga – Ukraine làm giá dầu tăng mạnh so với dự kiến, bình quân 9 tháng khoảng 107,05 USD một thùng, kéo theo giá hàng hoá khác tăng. Nhờ đó, giá trị tính thuế xuất nhập khẩu tăng nên khoản thu từ thuế này tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 328.832 tỷ đồng.

Nhưng tương tự các loại thuế khác, số thu thuế này cũng trong xu hướng giảm trong quý III, giảm 7,8% so với quý I và 13,5% so với quý II. Lý do, sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực khó khăn, kim ngạch xuất – nhập khẩu giảm. Trong đó, quý IV/2022 còn phải hoàn thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập linh kiện ô tô, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ khi xuất khẩu sản phẩm theo Nghị định 101/2021 và Nghị định 18/2021, khoảng 4.000 tỷ đồng.

Khi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu còn cho rằng, thu ngân sách tăng nhưng cơ cấu tăng này chưa bền vững, tỷ trọng thu từ đất còn lớn. Bộ Tài chính giải trình, tỷ trọng các khoản thu nhà đất trong tổng thu ngân sách 2-3 năm trở lại đây có tăng, bình quân khoảng 14%. Song tăng chủ yếu vì tổng thu ngân sách, nhất là thu nội địa khoá khăn trước tác động của dịch Covid-19, và thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất… Thực tế, tốc độ tăng các khoản thu từ đất bình quân 3 năm (2020-2022) ở mức 6,3% một năm.

Số tăng thu ngân sách năm 2022 ước vượt dự toán khoảng 202.400 tỷ đòng, Bộ Tài chính nhìn nhận, tăng ở tất cả các lĩnh vực thu, ở các khu vực kinh tế. Trong đó, 3 khu vực kinh tế, số vượt thu là trên 34.000 tỷ đồng, chiếm 29,6% số vượt thu nội địa, là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế xã hội chịu trác động của dịch hai năm qua và miễn, giảm nhiều loại thuế, phí…

Nhìn cả giai đoạn, Bộ Tài chính cho rằng cơ cấu thu đã bền vững hơn. Cụ thể, quy mô thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt bình quân 25,2%GDP, tăng so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (23,6%GDP); tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN so với bình quân giai đoạn 2006-2010 (59,5%) và giai đoạn 2011-2015 (68,7%), đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu (tỷ trọng 2 khoản thu này trong tổng thu NSNN đã giảm mạnh từ mức bình quân 38,3% giai đoạn 2006-2010, xuống 30% giai đoạn 2011-2015 và 17,5% giai đoạn 2016-2020).

Cùng với số thu một lĩnh vực đang giảm dần, Bộ Tài chính còn cho biết nợ thuế tăng, tới cuối tháng 9 khoảng 126.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nợ có khả năng thu là 60.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2021; tiền chậm nộp 22.900 tỷ đồng (18%) và nợ thuế không có khả năng thu hồi 25.500 tỷ đồng (20%).

Điểm tích cực dù số tổng nợ thuế tăng, theo Bộ Tài chính, số nợ có khả năng thu hồi so tổng nợ thuế đã giảm, từ mức 66% năm 2016 về còn 47,6% vào cuối 2019 và 9 tháng đầu năm 2022 tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Các khoản nợ liên quan tới đất là 18.700 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2021.