Tổng cục Thống kê vừa công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. Việc giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính khiến CPI có mức tăng như vậy.

Sự tăng/giảm của giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, so với tháng 12/2022, CPI tháng Hai tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, các năm từ 2019 trở lại đây, CPI bình quân hai tháng đầu năm tăng lần lượt là 2,6%; 5,91%; -0,14%; 1,68% và 4,6%.

Điều này cho thấy, áp lực lạm phát tăng cao đang chực chờ. Trong các báo cáo gửi lên Chính phủ thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc nhiều về áp lực trong điều hành giá cả thị trường, lạm phát đang tăng cao.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 2/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, trong rổ hàng hóa tính CPI, có tới 6 nhóm hàng giảm giá.

Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,12%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,08%. Đây là các nhóm hàng do nhu cầu tiêu dùng Tết tăng cao nên cũng đã đẩy giá lên cao trong tháng 1/2023.

Ngoài ra, nhóm giáo dục cũng giảm 0,57%; nhóm bưu chính – viễn thông giảm 0,1%; nhóm văn hóa, du lịch và giải trí giảm 0,02%.

Ngược lại, có 5 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng giao thông, tăng 2,11%, chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Tiếp đó, là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 1,81%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác – tăng 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình – tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế – tăng 0,02%.

Điều đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 2/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, thì lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%). Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung, do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên cũng có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 2/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Còn chỉ số giá USD tháng 2/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do nguồn cung bảo đảm; tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá USD trong nước tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.