.
Quang cảnh cuộc họp báo.

Chiều 30/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân.

Đây là Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày ngày 13/12/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2023.

Tại cuộc họp báo, Phó chánh án Thường trực Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, sau 8 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Như, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập và làm việc của người bị xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, chung chung.

Ngoài ra, Pháp lệnh cũng thiếu quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chưa quy định việc tổ chức phiên họp trực tuyến; cung cấp tài liệu bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án để phù hợp với thực tiễn; thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên; không cho đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo…Hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09.

Ông Tuệ cũng cho biết phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh mới quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bên cạnh việc bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải bảo đảm các nguyên tắc khác như: quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; quyền được xem xét theo hai cấp; được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do 01 Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. 

Một trong số các câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo là việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thay thế biện pháp xử lý vi phạm hành chính được thực hiện độc lập hay gắn với biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng?

Trả lời, ông Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ pháp chế Toà án nhân dân tối cao cho biết, theo quy định tại Điều 140a của Luật của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính ….”. Như vậy, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp phái sinh của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà không phải là biện pháp độc lập.

Để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, trước hết Tòa án phải xem xét người bị đề nghị đã đủ các điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tiếp đó xem xét các điều kiện theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng mà không bắt buộc phụ thuộc vào đề nghị của cơ quan lập hồ sơ.

Câu hỏi khác là Điều 72 của Luật Trẻ em có quy định trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong tham gia vào quá trình xem xét tại Tòa án để áp dụng biện pháp đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng. Vậy Pháp lệnh này quy định như thế nào về nội dung này?

Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi của Luật Trẻ em, Pháp lệnh này đã quy định trường hợp cần thiết tại phiên họp Tòa án yêu cầu Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em (các điều 18, 21, 34, 35), ông Công trả lời.